|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quốc hội Mỹ không ra tay, Fed có thể sắp hết cách cứu nền kinh tế

15:01 | 29/10/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh gói cứu trợ nghìn tỉ USD mãi bế tắc ở Quốc hội, vai trò nâng đỡ nền kinh tế tiếp tục được đặt lên vai Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng Fed cũng không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ và phải thường xuyên kêu gọi Quốc hội mau chóng hành động.
Quốc hội Mỹ mãi không tung gói giải cứu, Fed cũng sắp cạn cách giúp nền kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell kêu gọi tăng cường chi tiêu chính phủ. (Ảnh: Bloomberg)

Các quan chức Fed đang hối thúc Quốc hội Mỹ cung cấp thêm gói giải cứu tài khóa. Fed có lí do chính đáng: họ không còn nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế.

Kể từ khi các điều khoản chính trong Đạo luật cứu trợ CARES Act trị giá 2.200 tỉ USD hết hạn, một lần nữa Fed lại trở thành trụ cột chống đỡ nền kinh tế. Fed đã mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, tiếp tục tung ra các chương trình cho vay và thúc đẩy thị trường, đồng thời có vẻ quyết tâm không tăng lãi suất ngắn hạn trong nhiều năm.

Dù không một quan chức nào của Fed sẽ thừa nhận rằng họ sắp hết "đạn dược", có vẻ như Fed không còn nhiều vũ khí trong kho.

CNBC dẫn lời ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cho biết: "Fed thực sự đang gần hết đạn. Họ không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ. Tôi thực sự không nghĩ Fed còn có thể làm gì hơn. Đó là lí do họ rất rõ ràng khi yêu cầu các nhà hoạch định chính sách tài khóa làm nhiều hơn, vì họ biết rằng mình không thể giúp được gì".

Chủ tịch Jerome Powell và nhiều quan chức khác của Fed gần như luôn tận dụng mọi cơ hội để giục giã Quốc hội tăng cường trợ giúp.

Trong tháng 10, ông Powell phát biểu rằng việc trì hoãn gói giải cứu có thể "dẫn đến cuộc phục hồi yếu, tạo ra khó khăn không cần thiết cho các hộ gia đình và doanh nghiệp". Ông nhấn mạnh rủi ro của việc rót quá nhiều tiền cho nền kinh tế thấp hơn mối nguy của việc cung cấp quá ít.

Cũng trong tháng này, Thống đốc Fed Lael Brainard nói rằng "rủi ro lớn nhất" đến triển vọng kinh tế là Quốc hội không thể thống nhất về gói cứu trợ. 

Các quan chức Fed đôi khi sẽ nói lên quan điểm của họ về chính sách tài khóa, nhưng điều này không diễn ra thường xuyên. Cựu Chủ tịch Ben Bernanke từng cảnh báo các nhà lập pháp rằng nền kinh tế có thể một lần nữa rơi vào suy thoái khi các khoản viện trợ quan trọng sắp hết hạn. Người kế nhiệm của ông, bà Janet Yellen, đôi khi cũng sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách tài khóa mạnh mẽ.

Trước khi đại dịch bùng phát, ông Powell thường cảnh báo về đường lối không bền vững của chính sách tài khóa liên quan đến nợ và thâm hụt. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm khi số ca nhiễm tiếp tục tăng cao và nền kinh tế phải vật lộn để quay trở lại vị trí trước COVID-19 xuất hiện.

Cân nhắc lựa chọn

Fed vẫn còn một vài lựa chọn để giúp nền kinh tế củng cố các chương trình thanh khoản mà họ đã thiết lập từ trước.

Nếu chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu các kì hạn gia tăng – dấu hiệu kinh điển của căng thẳng tài chính – Fed có thể sử dụng biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất bằng cách mua trái phiếu. Fed cũng có thể tăng tốc độ mua trái phiếu và tiếp tục củng cố thông điệp rằng họ sẽ không vội vàng tăng lãi suất.

Nhưng những công cụ trên không có mấy hiệu quả.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ đã rơi xuống mức thấp kỉ lục, và chính các quan chức Fed cũng nghi ngờ về tác động của việc kiểm soát đường cong lợi suất.

Do vậy, những yêu cầu khẩn thiết của Fed cho gói cứu trợ phản ánh các lựa chọn họ nắm trong tay ít ỏi đến mức nào.

Nhà kinh tế Zandi nói: "Fed không có biện pháp đột phá nào để giúp nền kinh tế trong tương lai gần".

Vũ khí lớn nhất của Fed hiện tại là sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận đối với lạm phát. Cơ chế chính sách mới của Fed bao gồm cho phép lạm phát lên cao hơn mức mục tiêu 2% trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, kể cả tác động của biện pháp này cũng có hạn chế.

Do hầu hết mọi người vốn dĩ đã kì vọng Fed sẽ để mặc lạm phát trong vài năm, việc khẳng định lại lập trường này không có mấy tác dụng trấn an khi nhà đầu tư lo lắng và nền kinh tế bắt đầu chao đảo.

Ông Krishna Guha, Giám đốc chiến lược ngân hàng trung ương của Evercore ISI nói rằng cách tiếp cận này có lẽ sẽ có nhiều tác động hơn trong môi trường kinh tế mạnh thay vì yếu.

Ông Guha nói thêm rằng tác động của lạm phát mục tiêu "sẽ thấp hơn nhiều nếu thiếu vắng sự hợp tác của chính sách tài khóa".

Fed có cần phải ra tay?

Dĩ nhiên cũng có khả năng Fed không cần phải làm nhiều.

Hôm 29/10, chính phủ Mỹ công bố ước tính đầu tiên cho GDP quí III, với tốc độ tăng trưởng có thể đạt 36,2%. Sự gia tăng bất ngờ trong các đơn đặt hàng đầu vào sản xuất lâu bền, thị trường nhà ở sôi động và tâm lí lạc quan của giới CEO đều chỉ ra khả năng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng lâu dài.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều không kì vọng tốc độ tăng trưởng cao như quí III sẽ kéo dài. 

Dĩ nhiên, ẩn số quan trọng nhất là diễn biến COVID-19. Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng và hoạt động kinh tế bị hạn chế, Fed sẽ càng gặp khó, đặc biệt là trong trường hợp không có thêm chi tiêu chính phủ.

Theo CNBC, nếu phải tự mình hành động, Fed có thể tăng tốc chương trình mua tài sản. Động thái này thường thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên. Trong 4 tháng từ tháng 3 đến tháng 6, qui mô bảng cân đối kế toán của Fed tăng 66% lên 7.130 tỉ USD.

Nhưng trong 4 tháng tiếp theo, bảng cân đối của Fed chỉ phình thêm 1,3% dù các quan chức Fed nhấn mạnh rằng họ sẽ không giảm tốc độ mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.

Ông Nick Maroutsos, người đứng đầu bộ phận trái phiếu toàn cầu của Janus Henderson cho biết: "Fed thực sự là nhân tố quan trọng nhất đối với thị trường. Tôi nghĩ còn lâu họ mới hết đạn dược. Họ có thừa công cụ có thể dùng".

"Fed sẽ kiểm soát tình hình trong ít nhất 4 - 5 năm nữa, hoặc thậm chí là vĩnh viễn. Có vẻ họ đang khuyến khích nhà đầu tư mua tài sản rủi ro. Fed sẽ tiếp tục làm điều này vì để cho lợi suất trái phiếu tăng không có lợi cho họ".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.