|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Một cơ sở LNG lớn của Mỹ bị cháy, cuộc chiến mua khí đốt giữa Âu - Á thêm căng thẳng

17:41 | 15/06/2022
Chia sẻ
Các thương nhân mua khí đốt hoá lỏng (LNG) ở châu Á đang cạnh tranh khốc liệt với châu Âu để đảm bảo nguồn cung dự phòng. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi một nhà máy quan trọng vừa bị hoả hoạn vào tuần trước.

Eo hẹp nguồn cung khí đốt

Đầu tuần này, mốc thời gian mới để tái khởi động một nhà máy sản xuất khí hoá lỏng (LNG) quan trọng của Mỹ đã bị dời ra xa hơn dự đoán của các thương nhân. Mặt khác, các đơn hàng giao từ Indonesia đến Nga đã giảm đáng kể.

Cụ thể, cơ sở xuất khẩu khí hoá lỏng Freeport ở Texas (Mỹ) mới đây thông báo rằng họ cần 90 ngày để đưa nhà máy hoạt động trở lại một phần, lâu hơn dự kiến trước đó là tối thiểu ba tuần.

Hơn nữa, Freeport cũng không thể khôi phục toàn bộ công suất trước cuối năm nay. Tuyên bố của cơ sở này đã gây ngạc nhiên cho các nhà giao dịch LNG, vì họ dự kiến gián đoạn chỉ kéo dài hai đến ba tháng.

 

Nhà máy Freeport - chiếm khoảng 4% tổng lượng LNG xuất khẩu toàn cầu vào tháng trước, thường cung cấp hàng cho BP và TotalEnergies ở châu Âu; SK E&S ở Hàn Quốc; Jera và Oska Gas ở Nhật Bản. Cơ sở này còn chiếm gần 20% sản lượng LNG của Mỹ trong tháng 5.

Theo Bloomberg, Freeport bị đóng cửa vào tuần trước, sau một vụ hoả hoạn. Tại châu Á, giá LNG giao vào mùa đông năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng sau thông báo của nhà xuất khẩu khí LNG này.

Việc Freeport tạm ngừng hoạt động sẽ có tác động lớn hơn đến châu Âu trong mùa hè năm nay vì hầu hết nguồn cung của cơ sở này đều sẽ được chuyển đến lục địa già. Tuy nhiên, gián đoạn kéo dài nhiều khả năng sẽ khiến một số khách hàng châu Á thiếu năng lượng cho mùa đông.

Nhân viên kiểm tra đường ống dẫn khí LNG của Jera tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg).

Cuộc chiến mua hàng giữa hai châu lục

Từ trước, nguồn cung khí đốt toàn cầu đã được dự báo là sẽ trở nên eo hẹp trong mùa đông năm nay, khi nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm lên đến đỉnh điểm. Sự gián đoạn nguồn cung hiện tại đang tạo tiền đề cho cuộc chiến tranh mua khí đốt giữa châu Á và châu Âu.

Giá khí đốt giao ngay ở cả hai khu vực đều đang neo ở mức cao (tính theo mùa), một phần còn do nguồn cung khan hiếm hơn sau khi Nga tấn công Ukraine. Giá có thể leo lên mức cao mới nếu các thương nhân giành giật mua hàng.

Hiện tại, xuất phát từ lo ngại về nguồn hàng, các nhà kinh doanh LNG châu Á tại Singapore đã kêu gọi các nhà cung ứng nên kiểm tra lượng hàng sẵn có cho phần còn lại của năm 2022.

 

Trong thời gian tới, các thương nhân tại châu Á lẫn châu Âu sẽ phải cố gắng tìm nguồn khí LNG thay thế từ các dự án khác của Mỹ, cũng như từ các nhà xuất khẩu khác như Nigeria, Qatar, Angola và UAE. Dù vậy, nguồn cung có sẵn trong vài tháng tới vẫn rất hạn chế.

Các công ty kinh doanh sản xuất ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ nhảy vào thị trường giao ngay vì họ vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung của Freeport, mà nay cơ sở khí đốt quan trọng của Mỹ khó có thể đẩy mạnh sản lượng cung cấp cho thị trường.

Đáng ngại là, nguồn cung khí đốt thắt chặt hơn có thể khiến Nhật Bản - nhà nhập khẩu khí LNG lớn thứ hai thế giới, gặp khó khăn trong việc mua hàng trên thị trường giao ngay mùa hè này.

Ở diễn biến khác, các trang thiết bị cần để vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream ở châu Âu đang bị kẹt ở nước ngoài bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Điều này báo trước rằng các đơn hàng khí tự nhiên đến châu Âu có thể cũng sẽ bị hạn chế trong một thời gian, buộc lòng lục địa già phải thay thế bằng khí LNG.

Sự suy giảm nguồn cung khí LNG nguy cơ kéo hoá đơn tiền điện và lạm phát lên cao, đồng thời khiến các nước ng không thể cạnh tranh mua hàng, dẫn đến thiếu hụt năng lượng tại quê nhà, hãng tin Bloomberg cảnh báo.

Khả Nhân