|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Moscow ban hành đạo luật chống tin giả, nhiều hãng truyền thông vội rút khỏi Nga

22:29 | 05/03/2022
Chia sẻ
Nhiều hãng tin tức, cơ quan báo chí của Mỹ và phương Tây đã thông báo ngừng hoạt động tại Nga sau khi chính quyền Moscow áp dụng đạo luật chống tin giả mới.
Đạo luật chống tin giả được ban hành, nhiều hãng truyền thông vội rút khỏi Nga - Ảnh 1.

BBC thông báo rằng họ đang tạm ngừng hoạt động ở Nga sau khi luật chống tin giả được ban hành. (Ảnh: Reuters).

Truyền thông phương Tây tạm rút

Hôm 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật chống tin giả. Theo đó, đạo luật mới quy định hình phạt tối đa 15 năm tù đối với những ai có hành vi đưa tin sai sự thật, trong đó có cả thông tin về Ukraine.

Theo CNN, đạo luật mới đã buộc các hãng tin tức phải tiến hành họp nội bộ khẩn cấp và đưa ra quyết định khó khăn. 

Cụ thể, đài CNN (Mỹ) cho biết họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ công việc của các nhà báo và nhân viên ở Nga. CNN cho biết "sẽ ngừng phát sóng ở Nga để tiếp tục đánh giá tình hình và các hoạt động trong tương lai." 

Hãng ABC News CBS News (Mỹ) cũng thông báo việc tạm dừng phát sóng tại Nga. Tờ Newswires Press cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cũng thông báo tạm dừng công việc của các phóng viên tại Nga. Tổng biên tập John Micklethwait cho biết: "Chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi tạm dừng hoạt động thu thập tin tức ở nước Nga. 

Bộ luật mới của Nga dường như muốn biến các phóng viên độc lập nào thành tội phạm, khiến chúng tôi không thể tiếp tục bất kỳ hình thức báo chí thông thường nào tại đây".

Trong khi đó, tờ Washington Post (Mỹ) cho biết họ sẽ "thận trọng xác định liệu quy định mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các phóng viên của tòa soạn." 

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) nói rằng "ưu tiên hàng đầu của họ là sự an toàn của nhân viên và đưa tin một cách công bằng và đầy đủ." Tờ Reuters (Anh) cho biết họ cũng đang đánh giá tình hình. 

Hãng BBC của Anh tuyên bố họ đã tạm dừng công việc ở Nga. "Đạo luật này dường như đang cố hình sự hóa hoạt động đưa tin của các hãng báo chí độc lập. 

Nó khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ công việc của tất cả các nhà báo BBC News và nhân viên hỗ trợ tại Nga", Tổng Giám đốc BBC, Tim Davie thông tin.

Ngoài ra, trang BBC News bằng tiếng Nga vẫn sẽ tiếp tục hoạt động từ bên ngoài nước Nga. 

Đạo luật chống tin giả

Như đã đưa, cơ quan giám sát truyền thông của Nga trước đó đã hạn chế quyền truy cập vào website của một số hãng truyền thông vì đã đăng thông tin không đáng tin cậy về hoạt động quân sự đặc biệt của Moscow  ở Ukraine. 

Trong số đó có một số nguồn được công nhận ở Nga là kênh thông tấn nước ngoài như MeduzaVoice of America, Radio Liberty hay BBC, Deutsche Welle,...

Đạo luật chống hành vi đưa tin sai lệch về lực lượng vũ trang của Nga quy định khoản tiền phạt lên tới 1,5 triệu rúp hoặc khoản tiền phạt bằng tổng tiền lương của người bị kết án trong tối đa 18 tháng. 

Các lựa chọn hình phạt khác là lao động cải tạo có thời hạn đến một năm hoặc lao động bắt buộc trong thời hạn ba năm, hoặc tù giam trong cùng thời hạn. 

Các hành vi vì lý do lợi ích, hoặc thù địch, chính trị, ý thức hệ, chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo, hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu rúp. 

Các hình phạt khác là bắt buộc lao động có thời hạn đến 5 năm hoặc phạt tù lên tới 10 năm. Đáng chú ý, nếu đăng thông tin giả mạo gây ra hậu quả nghiêm trọng, thời hạn tù sẽ từ 10 năm đến 15 năm, TASS thông tin.

Doanh Chính

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).