|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mộng an cư của người trẻ Trung Quốc khó trăm bề: Chỉ thuê nhà cũng đã vất vả, nói gì đến mua nhà

22:57 | 12/01/2022
Chia sẻ
Vốn mua nhà riêng đã khó, người trẻ Trung Quốc giờ đây còn phải nặng gánh vì giá nhà thuê cao tăng ngất ngưởng. Chỉ riêng trong năm ngoái, giá thuê nhà tại 55 tỉnh, thành lớn đã tăng trung bình gần 10% và tại 8 thành phố lớn nhất đất nước nhảy vọt gần 25%.

Giá thuê nhà phi mã

Trên khắp Trung Quốc, giá thuê nhà đang tăng chóng mặt. Chỉ tính riêng năm ngoái, giá thuê tại 55 tỉnh, thành lớn đã tăng trung bình gần 10% và tại 8 thành phố lớn nhất của đất nước, giá thuê nhà nhảy vọt gần 25%.

Thành Đô dẫn đầu với mức tăng 40%, còn cư dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải và trung tâm công nghệ Hàng Châu cũng chứng kiến đà tăng trung bình hơn 20%, theo nhà xã hội học Xiang Jun của Đại học Thượng Hải.

Ba thập kỷ trước, tác động của việc giá thuê nhà đắt đỏ chủ yếu đổ lên vai người lao động nhập cư từ các vùng nông thôn lên thành phố. Hồi những năm 1990, người trẻ tuổi, có học thức ở thành thị chỉ thuê nhà trong thời gian ngắn trước khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà riêng.

Ngày nay, ngày càng có nhiều người trẻ sống tại thành thị trở thành những người thuê nhà dài hạn. Trong một khảo sát gần đây của Đại học Thượng Hải tại 10 thành phố lớn của Trung Quốc, những người trong độ tuổi 20 - 30 chính là lực lượng thuê nhà đông nhất - chiếm gần 63%.

Khoảng 75% trong nhóm trên là dân nhập cư, một số đến từ nông thôn nhưng đa phần là người đến từ các thành phố lân cận. Đặc biệt, khoảng 61% trong nhóm thuê nhà không phải người địa phương này có bằng cử nhân trở lên.

Nói cách khác, nhân viên văn phòng trẻ tuổi, có trình độ đại học hiện đang là bộ phận thuê nhà chủ chốt ở Trung Quốc, tạp chí Sixth Tone diễn giải.

Mộng an cư của người trẻ Trung Quốc khó trăm bề: Chỉ thuê nhà cũng đã vất vả, nói gì đến mua nhà - Ảnh 1.

Người trẻ Trung Quốc vừa phải xa quê kiếm tiền, vừa nặng gánh thuê nhà. (Ảnh minh họa: Sixth Tone).

Một nguyên nhân có thể lý giải cho sự thay đổi trên là bong bóng bất động sản của Trung Quốc. Khi thị trường hình thành bong bóng, ngay cả nhân viên văn phòng thu nhập khá cũng không thể sở hữu nhà riêng ở các thành phố lớn.

Khoảng 10 năm trước, giới trẻ Trung Quốc vẫn có thể mua nhà ở những nơi như Thâm Quyến và Thượng Hải nhờ đi vay cũng như hỗ trợ từ cha mẹ. Một căn hộ rộng 90 m2 ở ngoại ô Thượng Hải vốn chỉ tiêu tốn tầm 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 300.000 USD) vào thập niên 2010, giờ có thể lên đến 7 đến 8 triệu nhân dân tệ.

Bây giờ, nhiều người trẻ thậm chí còn không thể mua được nhà ở thành phố nơi họ sinh sống, ngay cả khi nhận được sự trợ giúp từ cha mẹ. Cho nên, họ càng khó mua nhà ở các thành phố lớn nơi bản thân đang lập nghiệp hơn.

Áp lực trăm bề

Điều đó đã đẩy nhiều người trẻ vào cảnh phải thuê nhà dài hạn. Xu hướng này không chỉ có thể gây ra tác động tiêu cực lên tình hình tài chính mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc và nhận thức của họ.

Nghiên cứu của Đại học Thượng Hải chỉ ra, dựa theo điều kiện thị trường cho thuê nhà và các chính sách đăng ký hộ khẩu hiện tại của Trung Quốc, liệu người trẻ có sở hữu nhà riêng hay không chính là một thước đó quan trọng giúp đánh giá mức độ hạnh phúc và nhận thức của họ về công bằng xã hội.

Đơn cử, trong những người đã có nhà riêng, 77% cho biết họ rất "hạnh phúc" - cao hơn gần 20 điểm % so với những người thuê nhà không phải dân địa phương. Mức độ hài lòng nói chung của những người đã có nhà riêng cũng cao hơn 24 điểm % so với những người thuê nhà từ nơi khác đến.

 

Một lý do khiến việc sở hữu nhà riêng có tác động lớn đến mức độ hạnh phúc của cư dân chính là việc giá thuê nhà đang quá cao. Ngay cả trước khi tăng đột biến vào năm ngoái, tiền thuê nhà của các nhân viên văn phòng có trình độ đại học vốn đã chiếm hơn 30% tổng thu nhập của họ.

Dù thu nhập của những người trẻ phải đi thuê nhà hiện cao hơn trung bình thu nhập của những người đã có nhà riêng, phần tiền phải bỏ ra đi thuê nhà khiến họ khó có thể đầu tư cho việc học hành của con cái hoặc cho thú vui riêng của bản thân.

Trải nghiệm đi thuê nhà cũng tác động đến nhận thức của người trẻ về công bằng xã hội cũng như về hệ thống luật của nhà nước, dù quyền sở hữu nhà không liên quan đến điểm này bằng việc sở hữu hộ khẩu (hukou) ở địa phương, Sixth Tone nhấn mạnh

Chuyên gia xã hội học Xiang Jun cho rằng, mặc dù những người trẻ thành thị có trình độ đại học được hưởng lợi thực sự về địa vị xã hội và thu nhập, nhưng nhận thức của họ về công bằng xã hội là tiêu cực nhất trong các nhóm khảo sát.

 

Mức độ hạnh phúc của họ cũng khá thấp, không cao hơn mấy so với những người dân nhập cư ít học hơn. Những người trẻ có trình độ học vấn tốt nhưng vẫn phải đi thuê nhà thường không bằng lòng với chính sách và các sáng kiến của chính quyền địa phương.

Điều này có lẽ là do họ cảm thấy rằng, mặc dù được học hành bài bản hơn nhiều cư dân địa phương cũng như một số người đã có nhà riêng, họ vẫn không thể mua được nhà, buộc phải đi thuê nhà với giá đắt đỏ và không được hưởng một số dịch vụ công nhất định.

Dù vậy, những người chịu thiệt thòi nhất ở khu vực thành thị chính là những người thuê nhà không có trình độ đại học, không có hộ khẩu tại địa phương. Họ chủ yếu là các chủ cơ sở làm ăn nhỏ, nhân viên làm ngành dịch vụ và công nhân. Thu nhập của những người này vốn thuộc nhóm thấp nhất trong lực lượng đi thuê nhà.

Họ cũng phải đối mặt với những kỳ thị từ xã hội và có cuộc sống bấp bênh nhất, cả trong công việc lẫn điều kiện sống. Với mức thu nhập thấp, họ vừa phải lo cho con cái ăn học vừa phải nặng gánh chăm sóc cha mẹ già, nhóm này không dư dả mấy để sử dụng các dịch vụ văn hóa giải trí.

Hơn nữa, những người lao động thu nhập thấp, phải đi thuê nhà cũng là nhóm bị xã hội cho "ra rìa", một phần vì người dân địa phương thường coi họ là mối đe dọa đối với sự an toàn, trật tự và văn hóa của thành phố.

Đô thị hóa là chìa khó cho Trung Quốc trong tương lai. Song, chi phí nhà ở liên tục tăng cao khiến cuộc sống ở các thành phố lớn ngày càng bức bối, người trẻ phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực.

Yên Khê