|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mỗi km đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tốn 30-35 triệu USD

17:56 | 29/08/2018
Chia sẻ
Tính toán sơ bộ hiện nay, chi phí đầu tư bình quân 1km đường sắt tốc độ cao từ 30-35 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 55-56 tỷ USD. Ngoài ra, để nâng cấp đường sắt hiệu hữu phục vụ vận tải hàng hóa, cần thêm khoảng 1,8 tỷ USD.

Ngày 28/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội thảo báo cáo nghiên cứu giữa kỳ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để hoàn thiện báo cáo cuối kỳ.

Tại hội thảo, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho biết, đơn vị này đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285 km; Vinh - Nha Trang 896 km; Nha Trang - TP HCM dài 364 km.

moi km duong sat toc do cao bac nam ton 30 35 trieu usd
Mỗi km đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần chi phí đầu tư 30-35 triệu USD. Ảnh minh họa.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là hơn 58,7 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.

Cũng theo Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, các quãng đường dài thì thị phần giảm nếu tàu vận tốc thấp. Ví dụ, với vận tốc 200 km/h, thị phần hành khách đoạn Hà Nội – Nha Trang chỉ đạt 2,7%, còn khi đạt tốc độ 350 km/h thì có thể đạt thị phần 14%. Do đó, tư vấn cho rằng nếu khai thác tốc độ 350 km/h, đường sắt sẽ cạnh tranh được với việc lựa chọn đi bằng máy bay.

Đề nghị đầu tư tốc độ cao để bảo đảm sức hấp dẫn của dự án, tuy nhiên đại diện tư vấn cho rằng, ở giai đoạn đầu sẽ khai thác vận tốc 160-200 km/h, sau khi thông toàn tuyến mới nâng lên tốc độ 350 km/h.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, về công nghệ sử dụng cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hiện đơn vị tư vấn nghiêng về phương án chọn công nghệ của Nhật Bản, nhờ ưu thế thiết kế tàu nhỏ gọn hơn các nước khác, nên chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Toàn tuyến được thiết kế tốc độ khai thác 350km/h, nhưng ở giai đoạn đầu với 2 đoạn tuyến làm trước sẽ chỉ khai thác khoảng 200km/h, khi hoàn thành toàn tuyến Bắc - Nam mới khai thác tốc độ tối đa.

Cùng với đó, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ được thiết kế riêng, chỉ chở hành khách, còn tuyến đường sắt hiện nay sẽ nâng cấp để chuyên chở hàng hóa. Ông Đông cũng nghiêng về lựa chọn công nghệ tàu tiếp xúc đường ray thay vì tàu điện từ. “Dù chúng ta tính toán cho tương lai, nhưng công nghệ điện từ hiện ít nước làm và vẫn trong thời kỳ thí điểm. Chi phí của tàu điện từ cũng lớn hơn rất nhiều các công nghệ khác. Do đó, chúng ta cũng phải tính toán”, ông Đông nói.

Cũng theo ông Đông, Bộ GTVT không loại trừ mời gọi đầu tư tư nhân theo dạng BOT vào một số cấu phần của dự án như toa xe, một số nhà ga trung tâm... Hiện cơ quan liên quan cũng đang nghiên cứu về các phương án huy động vốn, ảnh hưởng nợ công...

“Hiện nay cũng có một số nước làm BOT với đường sắt tốc độ cao, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Việc kêu gọi BOT vào công đoạn nào sẽ được đưa cụ thể trong báo cáo nghiên cứu dự án”, ông Đông cho biết.

Theo ông Đông, tính toán sơ bộ hiện nay chi phí đầu tư bình quân 1km đường sắt tốc độ cao từ 30 đến 35 triệu USD (riêng Trung Quốc khoảng 25-27 triệu USD); dự kiến 2 đoạn làm trước của Việt Nam khoảng 9-10 tỷ USD/đoạn. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 55-56 tỷ USD. Ngoài ra, để nâng cấp đường sắt hiệu hữu phục vụ vận tải hàng hóa, cần thêm khoảng 1,8 tỷ USD.

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu từ năm 2005, năm 2010 đã trình Quốc hội nhưng chưa được thông qua. Sau đó, năm 2011-2013, Nhật Bản hỗ trợ nghiên cứu bổ sung, năm 2017, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu cập nhật dự án để báo cáo Chính phủ. Dự kiến, năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, nếu được Quốc hội thông qua sẽ mất thêm 5-7 năm nghiên cứu triển khai. Nếu triển khai, sẽ thực hiện trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, mục tiêu đưa vào sử dụng năm 2030; tới năm 2040 hoàn thành toàn tuyến.

Xem thêm

Khánh Hà

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.