|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa đủ mặt bằng 'sạch' để khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

23:33 | 15/11/2022
Chia sẻ
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến ngày 11/11, các địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau là các tỉnh có tỉ lệ phương án đền bù được duyệt và công tác chi trả giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công các gói thầu đầu tiên của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 vào cuối năm nay.

Nếu mặt bằng bàn giao “xôi đỗ”, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ không thể bứt tốc được ngay từ đầu, việc khởi công sớm sẽ không đạt được mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện. (Ảnh: Đình Quang).

Nguy cơ không đáp ứng mặt bằng vào 20/11

Tại tỉnh Phú Yên, công tác GPMB phục vụ thi công 2 dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong đến ngày 3/11, công tác kiểm đếm mặt bằng mới đạt 84%. 

Riêng thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An chưa hoàn thành, nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng đến ngày 20/11.

Tại Hà Tĩnh, địa phương có 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua, UBND tỉnh cho biết, đến nay, công tác kiểm đếm phạm vi mặt bằng dự án đạt 96,78% trên tuyến chính và đạt 100% đối với 12,18 km các tuyến kết nối.

Tính đến ngày 11/11, tiến độ giải ngân GPMB dự án toàn tỉnh cũng đạt hơn 432 tỷ đồng (40,87%). Trong đó, các địa phương như Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh có tỉ lệ giải ngân cao.

Riêng với huyện Kỳ Anh, đến ngày 3/11, công tác chi trả mới được gần 7,2 tỷ đồng cho 89 hộ dân có mộ nằm trong phạm vi GPMB dự án, chưa chi trả phần ảnh hưởng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hay các loại đất khác. Tỉ lệ giải ngân nguồn vốn GPMB huyện này chỉ đạt 5,25% - thấp nhất trong các huyện, thị xã có tuyến cao tốc đi qua.

Chi trả GPMB tại Phú Yên, Khánh Hòa bằng 0

Tại tỉnh Quảng Bình, trong tổng số gần 1.193 ha phải thu hồi mới duyệt phương án đền bù được gần 268 ha (đạt 22%); công tác chi trả GPMB đạt 159/828 tỷ đồng (đạt 19%).

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến ngày 11/11/2022, các địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau là các tỉnh, thành phố có tỉ lệ phương án đền bù được duyệt và công tác chi trả GPMB còn chậm.

Tỉnh Quảng Trị mới trình phê duyệt phương án đền bù được 22,2/268,3 ha (đạt 8%); công tác chi trả GPMB đạt 8,5/282 tỷ đồng (đạt 3%).

Tỉnh Quảng Ngãi có dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đi qua, phương án đền bù đã duyệt 271/488,2 ha (đạt 55,5%); công tác chi trả GPMB mới đạt gần 46/870,1 tỷ đồng (đạt 5,3%).

Đáng báo động tại tỉnh Phú Yên, phương án đền bù hơn 855,5 ha đất thu hồi cho dự án và công tác chi trả GPMB đối với số vốn hơn 588 tỷ đồng được bố trí năm 2022 đến ngày 11/11 tỉ lệ đạt được vẫn bằng 0.

Tỉnh Khánh Hòa có dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang đi qua trong cảnh tương tự khi phương án đền bù đối với 614 ha đất thu hồi chưa được duyệt, tỉ lệ giải ngân với hơn 767 tỷ đồng được bố trí năm 2022 cũng bằng 0.

Tại TP. Cần Thơ, trong tổng số 54,3 ha đất thu hồi, phương án đền bù đã được duyệt với 3,2 ha (đạt 6%); công tác chi trả GPMB mới đạt 33,7/161,3 tỷ đồng (đạt 21%).

Cuối cùng là tỉnh Cà Mau, phương án đền bù mới được phê duyệt 22,3/181,4 ha (đạt 12%); công tác chi trả GPMB mới đạt gần 55/253 tỷ đồng (đạt 22%).

Theo phương án được phê duyệt, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được GPMB theo quy mô 6 làn xe. Riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau GPMB theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch được duyệt. Tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5.942 ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng gần 40.000 hộ. 

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm, giá trị giải ngân tương đối thấp như hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngay trong ngày 11/11 vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu 12 địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung đẩy nhanh công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo từng đoạn, từng khu vực...

Riêng về nguồn vốn phục vụ chi trả GPMB, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo rốt ráo các sở, ngành phối hợp với các ban QLDA của Bộ GTVT rà soát đẩy nhanh tiến độ.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, nếu mặt bằng bàn giao “xôi đỗ”, dự án sẽ không thể bứt tốc được ngay từ đầu, việc rốt ráo khởi công sớm sẽ không đạt được mục tiêu ban đầu là rút ngắn thời gian thực hiện.

Hậu Giang, Bình Định "'về đích" sớm

Bên cạnh những địa phương còn ì ạch trong công tác GPMB thì Hậu Giang và Bình Định là 2 tỉnh có kết quả GPMB rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong tổng số hơn 63 km chiều dài thuộc 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh, các thủ tục liên quan đến công tác GPMB đã đạt hơn 77% tổng diện tích đất phải thu hồi, về đích sớm hơn yêu cầu (trước ngày 20/11).

Theo thống kê, 2 dự án thành phần đi qua 16 xã, thị trấn. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.067 hộ và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tổng diện tích đất thu hồi hơn 361 ha. Tính đến ngày 9/11, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 1.683 hộ dân với kinh phí hơn 866 tỷ đồng; tổ chức chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng 1.378 hộ, với kinh phí hơn 715 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã bồi thường, bàn giao mặt bằng 910 hộ bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 174 ha, đạt hơn 78%. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau bàn giao mặt bằng 468 hộ với diện tích khoảng 105 ha, đạt 75%. Dự kiến, đến ngày 20/11 sẽ bồi thường và bàn giao mặt bằng xong đợt 1, đạt khoảng 90% diện tích của dự án.

Tại Bình Định, liên tục trong tháng 10 và tháng 11/2022, hầu như tuần nào, lãnh đạo tỉnh cũng dành khoảng thời gian nhất định để chủ trì cuộc họp kiểm tra tiến độ công tác bồi thường GPMB và tái định cư.

Dự án đi qua địa phận tỉnh có 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh với tổng chiều dài khoảng 118,8 km.

Theo Sở GTVT Bình Định, đến ngày 10/11, các địa phương đã kiểm kê được 10.744 hộ ảnh hưởng (đạt 99,6%); xác nhận nguồn gốc đất đai được 9.988 hộ ảnh hưởng (đạt 94%). 8 địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, GPMB với 111 đợt cho 5.011 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng với số tiền 960 tỷ đồng. Công tác chi trả đạt hơn 507 tỷ đồng, đạt 65,8% vốn đã cấp.

Tỉnh Bình Định khẳng định, 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều quyết tâm đến ngày 20/11/2022 sẽ bảo đảm bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. 

Phan Trang