|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba giai đoạn triển khai đường sắt tốc độ cao

11:41 | 04/12/2024
Chia sẻ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến được triển khai theo ba giai đoạn gồm lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thi công, mua sắm thiết bị và vận hành thử, khai thác.

Ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án, cho biết giai đoạn một của dự án bao gồm lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu tổng thầu EPC (FEED).

Cụ thể, đơn vị chủ quản sẽ lựa chọn tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập FS và thiết kế FEED; mời thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn; khảo sát, lập FS và thiết kế FEED; thẩm tra, thẩm định, phê duyệt FS, thiết kế FEED và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC. Giai đoạn này thực hiện vào năm 2025 - 2027.

Theo ông Sơn, trong giai đoạn một các đơn vị cần tập trung khảo sát, nghiên cứu để làm rõ thông số cơ bản của dự án, như cập nhật dự báo nhu cầu vận tải, phương án tổ chức khai thác, xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật, rà soát tuyến và các công trình trên tuyến, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đặc biệt, công tác thiết kế cần sớm được triển khai và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để địa phương triển khai.

Thách thức của giai đoạn một là huy động lực lượng tư vấn, thiết kế. Nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào tư vấn nước ngoài thì thời điểm bắt đầu công việc sẽ có độ trễ. Trong khi đó với một số hạng mục, tư vấn trong nước có thể đảm nhận nên cần xem xét tách hạng mục phù hợp để huy động triển khai sớm.

Theo lãnh đạo TEDI, để đảm bảo dự án được triển khai đúng lộ trình cần có cơ chế đặc thù là chủ đầu tư được lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Cơ chế này sẽ rút ngắn tiến độ khoảng một năm so với thực hiện theo quy trình thông thường.

Giai đoạn hai bao gồm thi công, xây dựng và mua sắm thiết bị, diễn ra từ năm 2027 đến 2035. Đơn vị chủ quản sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.

Theo ông Sơn, ưu tiên đầu tiên của giai đoạn này là đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Với khối lượng giải phóng mặt bằng lên 10.000 ha, liên quan 20 địa phương thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Công tác thi công xây dựng công trình với khối lượng rất lớn, đòi hỏi tính tổng thể cao và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hạng mục công việc. Để giải quyết điều đó, các đơn vị cần thiết kế giao diện hoàn chỉnh trên nền tảng ứng dụng công nghệ BIM từ khảo sát đến thiết kế. Các hạng mục xây lắp cần tận dụng tối đa lực lượng trong nước, vừa đảm bảo tiến độ, giá thành, vừa hiệu quả.

Giai đoạn ba là vận hành thử và khai thác thương mại với các nhiệm vụ như vận hành thử nghiệm đoàn tàu; đánh giá an toàn hệ thống và vận hành thương mại.

Theo ông Sơn, ở giai đoạn ba, quá trình vận hành thử nghiệm, đặc biệt là đánh giá an toàn hệ thống thường gặp khó khăn nhất định. Kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM sẽ hỗ trợ dự án thực hiện thành công công việc này.

Việc tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước (nhà thầu tư vấn và xây lắp) có thể tham gia dự án thông qua một trong hai hình thức: Nhà thầu trong nước liên danh với nhà thầu nước ngoài với vai trò thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu trong nước có sử dụng các chuyên gia nước ngoài.

"Khác với một dự án thông thường, đây là hệ thống hoàn chỉnh bao gồm nhiều hệ thống thành phần, đòi hỏi tính đồng bộ cao. Cần linh hoạt huy động lực lượng trong nước và quốc tế, những việc trong nước có thể làm được thì ưu tiên, huy động tối đa", ông Sơn nhận định.

Tàu tốc độ cao Thalys ở Pháp. (Ảnh: Business Insider).

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh, đường sắt tốc độ cao là dự án quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp. Việc triển khai dự án sẽ là hành trình dài với nhiều thách thức. Để có thể triển khai dự án sớm nhất, Bộ dự kiến tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp, chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ.

Các bộ, ngành có thể được Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể được giao chủ trì về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì về chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì về giải phóng mặt bằng, cơ chế giải phóng mặt bằng...

Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn. Đây là văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý để triển khai dự án.

Trước mắt, ngay sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Cùng với đó, Bộ làm việc với các địa phương để cụ thể hóa chi tiết về hướng tuyến, nhà ga và phạm vi giải phóng mặt bằng để triển khai song trùng với bước lập báo cáo khả thi, để dự án có thể khởi công vào cuối năm 2027.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai ngay các phần việc quan trọng như chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, kiện toàn mô hình quản lý đầu tư. Bộ sẽ hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ và nhiều phần việc khác.

Các cơ quan thuộc Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để làm cơ sở triển khai dự án thời gian tới. Đồng thời, đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ và nhiều công việc khác cũng được đồng bộ thực hiện.

Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ phải bắt tay ngay vào kiện toàn tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý dự án. Theo đó, Ban sắp xếp, kiện toàn các bộ phận để đảm bảo phù hợp với mô hình, bổ sung nhân sự, tổ chức đào tạo.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam, cho rằng năm 2027 dự án được khởi công nên ngành giao thông chỉ có hai năm phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, tổ chức khảo sát và lập thiết kế cơ sở. Đây là thách thức rất lớn về thời gian và chất lượng bởi dự án lớn đi qua nhiều địa hình phức tạp, công tác khảo sát địa chất phải đạt yêu cầu để không phải thay đổi hướng tuyến sau này.

Cùng với đó, công tác khảo sát thiết kế cầu, hầm phải chính xác, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao của đường sắt tốc độ cao. Do đó, ngành giao thông phải tập trung nguồn lực cho khảo sát, thiết kế trong hai năm trước mắt.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến đường dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 67 tỷ USD từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.

Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800 ha; dự kiến hơn 120.830 người cần tái định cư.

Đoàn Loan

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.