Đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo |
Ngày 28/8, tại Hội thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, báo cáo cuối kỳ sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2018 và được thẩm tra bởi tư vấn châu Âu.
“Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương lần cuối về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia tại hội thảo báo cáo giữa kỳ. Báo cáo nghiên cứu cuối kỳ sẽ được đơn vị tư vấn châu Âu thẩm tra. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn tại hội thảo báo cáo giữa kỳ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở phân tích, so sánh tổng thể thực tiễn từ 16 quốc gia, tư vấn đề xuất sử dụng công nghệ động lực phân tán (công nghệ đoàn tàu) và hệ thống truyền dẫn số di động dạng sóng không gian (công nghệ tín hiệu điều khiển), phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.
Tàu tốc độ cao tại Đức |
Tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu lớn nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Sức chở, giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6-24h. Các đoạn ưu tiên, dự kiến đề xuất 2 đoạn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032; các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040 - 2045.
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND 20 tỉnh, thành phố Trung ương có tuyến đi qua mong Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án để địa phương có cơ sở xác định mốc giới, quy hoạch sử dụng đất và tạo sự phát triển kinh tế - xã hội. “Đi bằng đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội đến Vinh chỉ mất 1,5h không chỉ có ý nghĩa về GTVT và chắc chắn sẽ thay đổi cục diện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực”, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Vấn đề được các địa phương quan tâm là thời gian dự kiến triển khai rất dài, trong khi nhu cầu phát triển của địa phương cần sớm có đường sắt tốc độ cao. “Đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu phân kỳ đầu tư trong 30 năm, tức là còn hai thế hệ nữa mới triển khai, trong khi nhu cầu phát triển là rất lớn. Đề nghị có cơ chế giải pháp để huy động nguồn lực sớm triển khai”, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Bình Định đề nghị nếu không nối thông sớm được toàn tuyến Bắc - Nam cũng cần ưu tiên đầu tư tuyến kết nối với các khu kinh tế trọng điểm, như từ TP.HCM đến Đà Nẵng hay Vinh - Đà Nẵng.
Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Trung ương đề nghị chủ trương dự án sớm được thông qua để làm cơ sở xác định hàng lang, quy hoạch sử dụng đất dự án. Một số ý kiến đề xuất nên phân kỳ đầu tư theo các chặng ngắn hơn nữa, như Vinh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang… để có sự kết nối sớm hơn đường sắt tốc độ cao và khu kinh tế trọng điểm.
Xem thêm |