|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Không để 'tắc nghẽn' đầu tư hạ tầng giao thông

10:23 | 02/02/2017
Chia sẻ
Đầu năm mới Đinh Dậu, phóng viên báo Tin Tức có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa về nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ cho phát triển cho kinh tế, xã hội đất nước.

Đến nay, ngành GTVT đã có những bước phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế. Năm 2017 tiếp tục đặt ra nhiều kỳ vọng đối với ngành, trước nhiều thách thức tới đây, Bộ trưởng có cảm thấy áp lực?

Sự kỳ vọng cũng như những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân, cộng đồng doanh nghiệp đặt ra cho ngành GTVT ở bất cứ giai đoạn nào cũng rất lớn. Vì vậy, với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT, cá nhân tôi luôn nhận thức sâu sắc đây là vinh dự to lớn, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi, hiệu quả, an toàn, vì sự nghiệp xây dựng đất nước.

khong de tac nghen dau tu ha tang giao thong
Cao tốc Bắc - Nam nhánh phía đông sẽ được Bộ GTVT khởi công nhiều đoạn tuyến trong năm 2017. Ảnh Bộ GTVT

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự phối hợp, ủng hộ, chia sẻ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; với truyền thống “đi trước, mở đường” và nền tảng vững chắc là những thành quả mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đi trước tạo dựng, tôi tin tưởng rằng, ngành GTVT sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong năm mới và Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020.

Bộ GTVT sẽ huy động các nguồn vốn như thế nào để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp và Chính phủ thắt chặt đầu tư công, thưa Bộ trưởng?

Hiện nay, Bộ GTVT xác định nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư hạ tầng là hết sức khó khăn và không thể trông chờ. Do đó, ngành Giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, làm việc với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu huy động bằng được các nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển hạ tầng giao thông. Việc huy động phải gắn liền với việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn vay.

khong de tac nghen dau tu ha tang giao thong
Phát triển đội tàu bay hiện đại là mục tiêu của ngành GTVT trong năm 2017

Để làm việc này, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát danh mục các dự án theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, xem xét những dự án tiếp tục triển khai, dự án phải điều chỉnh và phải dừng, giãn một số dự án; đồng thời hạn chế tối đa khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Quá trình này sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vẫn đang được Bộ GTVT nghiên cứu và trình Chính phủ. Vậy, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện nghiên cứu tổng thể và chi tiết dự án này như thế nào để có thể sớm triển khai, thưa Bộ trưởng?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là chủ trương lớn, cần được cân nhắc cả về hiệu quả kinh tế, điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn lực đầu tư. Để sớm triển khai thành công dự án này, bên cạnh việc nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ về phương án, nguồn lực đầu tư; Bộ GTVT đang chỉ đạo từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ về đường sắt tốc độ cao; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới.

Để có cơ sở trình Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt đề cương - dự toán và giao Ban Quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn trong nước rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án để cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, sau đó trình Quốc hội xem xét, quyết định. Dự kiến hoàn thiện dự án trong năm 2017; năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình Quốc hội thông qua chủ trương.

Lĩnh vực hàng không đang phát triển nóng, “tắc nghẽn” cả trên trời lẫn dưới mặt đất. Bộ GTVT sẽ có những giải pháp nào để đảm bảo cho hàng không phát triển bền vững?

Trong giai đoạn 2011 - 2016, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục. Năm 2016, sản lượng thông qua các Cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 81 triệu lượt hành khách và 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 28,6% về hành khách và 14,5% về hàng hóa so với năm 2015. Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam cũng phát triển rất nhanh, từ 94 tàu bay năm 2011 lên 157 tàu bay đến thời điểm hết tháng 12/2016.

Tuy nhiên, so với sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không và đội tàu bay Việt Nam, tốc độ nâng cấp, mở rộng của hạ tầng cảng hàng không còn ở mức thấp. Các cảng hàng không đang phải chịu sức ép rất lớn do quá tải, khai thác vượt công suất thiết kế, đặc biệt tại các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh và Nội Bài.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Bộ GTVT sẽ phải tìm mọi giải pháp để nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, điển hình là điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên công suất 40 - 50 triệu khách/năm; tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh, dự kiến hoàn thành trong năm 2017…Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mặt khác, Bộ GTVT tăng cường đầu tư hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát, khí tượng và thông báo tin tức hàng không; tổ chức lại vùng trời của các phân khu kiểm soát đường dài và vùng trời sân bay; triển khai áp dụng các đường hàng không và phương thức bay sử dụng công nghệ dẫn đường mới bằng vệ tinh tạo hành lang ra, vào riêng biệt, nâng cao khả năng thông qua của vùng trời, sân bay và an toàn hoạt động bay; tối ưu hóa phương thức điều hành bay và quy trình vận hành của tàu bay trên khu bay.

Bộ GTVT cũng đã ban hành Quy chế điều phối và quản lý giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không Việt Nam theo các tài liệu hướng dẫn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, với những bổ sung, sửa đổi phù hợp năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng hàng không và chính sách phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Song song với đó, Bộ GTVT đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam. Cụ thể đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ đạt khoảng 230 tàu bay, với các dòng máy bay hiện đại như B787-9, A350-X9, A321, A320 Sharklet và các hãng hàng không Việt Nam sẽ khai thác khoảng 60 đường bay nội địa và 140 đường bay quốc tế.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tiến Hiếu (thực hiện)