|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Meta trở thành công ty TMĐT phổ biến nhất mạng xã hội

03:00 | 23/11/2022
Chia sẻ
CTCP Mạng trực tuyến Meta (không phải Meta - công ty mẹ Facebook) đã có bước nhảy vọt 5 bậc để vượt qua những Nguyễn Kim, FPT Shop, Điện Máy Xanh,... trở thánh công ty TMĐT phổ biến nhất mạng xã hội.

Vừa qua, Reputa đã công bố bản tin ngành Thương mại điện tử (TMĐT) tháng 11, cung cấp những thông tin biến động của ngành trong tháng 10. Theo đó, ba đơn vị là Meta, Nguyễn Kim và FPT Shop đã giữ ba vị trí đầu bảng xếp hạng 10 công ty TMĐT phổ biến nhất mạng xã hội trong tháng.

Đứng ở các vị trí còn lại trong top 10 lần lượt là Điện Máy Xanh, Hoàng Hà Mobile, Viettel Store, Kids Plaza, Media Mart, Thế Giới Di Động và Shein. Trong số này, có 5 đơn vị chứng kiến mức tăng hạng so với tháng trước, một đơn vị giữ nguyên vị trí và 4 đơn vị chứng kiến mức tụt hạng.

Hoàng Hà Mobile là đơn vị chứng kiến mức tăng hạng lớn nhất trong top 10 khi nhảy 15 bậc để đứng ở vị trí 5 trên bảng xếp hạng. Tương tự, Kids Plaza cũng có bước nhảy vọt 11 bậc để lọt vào top 10 và đứng ở vị trí thứ 7.

CTCP Mạng trực tuyến Meta đã trở thành công ty TMĐT phổ biến nhất tháng 10. (Nguồn: Reputa).

CTCP Mạng trực tuyến Meta cũng đã nhảy 5 bậc để vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng các công ty TMĐT phổ biến nhất tháng 10. Trong khi đó, FPT Shop là đơn vị duy nhất không chứng kiến sự thay đổi so với tháng trước khi tiếp tục đứng ở vị trí thứ ba.

Có 4 đơn vị chứng kiến mức sụt giảm vị trí so với tháng trước gồm Điện Máy Xanh (giảm ba bậc), Media Mart (giảm ba bậc), Thế Giới Di Động (giảm 7 bậc) và Shein (giảm hai bậc). Tổng cộng, Reputa đã theo dõi và phân tích để đưa ra bảng xếp hạng về 42 công ty TMĐT trong tháng.

Trong top 10 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng các công ty TMĐT phổ biến nhất mạng xã hội trong tháng 10 có rất nhiều đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại.

Điều này là tương đối dễ hiểu bởi trong tháng 10 đã diễn ra một trong những sự kiện quan trọng hàng năm với những người hâm mộ smartphone, nhất là iFan bởi đây là thời điểm Apple cho ra mắt những dòng sản phẩm iPhone thế hệ mới.

Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Dòng sản phẩm iPhone 14 Series gồm iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max đã được Apple ra mắt trong tháng 10 và nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng Việt.

Bất chấp việc xu hướng sụt giảm chung của thị trường smartphone toàn cầu cũng như việc khách hàng thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ lạm phát, người tiêu dùng Việt vẫn sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để sở hữu những mẫu iPhone cao cấp nhất thuộc dòng sản phẩm iPhone 14 Series.

Thậm chí, ngay sau ngày đầu mở bán iPhone 14 Series chính thức tại Việt Nam, một số đơn vị đã ghi nhận doanh thu cũng như doanh số bán hàng của dòng iPhone 14 Series cao kỷ lục. Cụ thể, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động, Hệ thống FPT Shop và F.Studio by FPT cho biết hai đơn vị này đã giao tới tay khách hàng 14.000 máy sau hơn một ngày mở bán iPhone 14 Series, đạt doanh thu kỷ lục 400 tỷ đồng.

Grab, Shopee và Shopee Food vẫn duy trì vị thế dẫn đầu

Reputa cũng công bố top 5 sàn TMĐT ngành giao thông vận tải phổ biến nhất mạng xã hội trong tháng qua. Theo đó, Grab tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng dù tổng điểm (total score) giảm hơn 39,5% so với tháng trước. Những đặc quyền riêng dành cho Hội viên cùng liên tục những chương trình ưu đãi hấp dẫn đã giúp cho Grab nhận về hơn 32.700 lượt tương tác trong tháng qua.

Đứng ở các vị trí còn lại trong top 5 lần lượt là CTCP Be Group, Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (MyGo), Công ty TNHH Gojek Việt Nam và CTCP Xe khách Phương Trang (FUTA Taxi). Trong số này, chỉ có duy nhất Gojek chứng kiến mức tụt hạng so với tháng trước còn MyGo và FUTA Taxi đều tăng một bậc.

Grab tiếp tục duy trì vị thế sàn TMĐT ngành giao thông vận tải phổ biến nhất mạng xã hội. (Nguồn: Reputa).

Đối với top 5 sàn TMĐT (đa ngành hành) phổ biến nhất mạng xã hội tháng qua, đứng ở hai vị trí đầu tiên tiếp tục là hai ông lớn Shopee cùng Lazada. Tuy nhiên, tổng điểm của Lazada tháng này giảm hơn 47,5% và thấp hơn Shopee đến 4,8 lần.

Một số hoạt động nổi bật của Shopee và Lazada trong tháng này có thể kể đến như “Nhanh tay tương tác, Nhận siêu quà” (Shopee – hơn 3,6 triệu lượt tương tác) hay “Game về cực chiến, Săn sale đẹp 10.10 cực chill” (Lazada – hơn 3,1 triệu lượt tương tác).

Bên cạnh đó, Tiki tháng này tăng một bậc, tổng điểm tăng nhẹ 21,6% và đang giữ vị trí thứ ba. Bài viết minigame “Share bài nhận ngay Airpod 2 cùng Tiki ngon” nhận về hơn 3,1 triệu lượt tương tác.

Hai đơn vị còn lại trong top 5 là TikTok Shop và Sendo. Trong đó, TikTok Shop đã tụt một bậc so với tháng trước, trong khi Sendo vẫn giữ vững vị trí cuối cùng trong top 5.

Shopee và Lazada vẫn chiếm giữ hai vị trí dẫn đầu top 5 sàn TMĐT đa ngành hàng phổ biến nhất. (Nguồn: Reputa).

Ở Bảng xếp hạng top 5 sàn TMĐT ngành Giao nhận thực phẩm & Đồ uống, mặc dù tổng điểm giảm hơn 30,6% nhưng tháng này, Shopee Food vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu với những minigame nhận về lượt tương tác khủng như “Đua tương tác - Sạc ví voucher” (hơn 191.000 lượt tương tác). Các vị trí còn lại trong top 5 lần lượt là BeFood, GrabFood, Baemin và GoFood. Trong số này, có duy nhất GrabFood chứng kiến mức tụt hạng so với tháng trước.

Shopee Food tiếp tục đứng ở vị trí đầu tiên. (Nguồn: Reputa).

Trong hành vi thảo luận của nhóm Khách hàng & Doanh nghiệp, khách hàng thường quan tâm nhiều đến các hoạt động “Tìm kiếm nhu cầu mua”, chiếm hơn 80% lượng quan tâm. Trong khi đó, “Quảng cáo hàng hóa” và “Quản lý sản phẩm/ đơn hàng" là nhóm hành vi chính của doanh nghiệp, chiếm khoảng 80% lượng thảo luận. 

Theo Reputa, TMĐT trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì, hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).

Anh Nguyễn

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.