|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Masan giải bài toán kiosk Phúc Long

18:54 | 28/07/2023
Chia sẻ
Đây là lần đầu tiên chuỗi đồ uống Phúc Long giảm doanh thu kể từ khi về tay Masan Group.

CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II chưa kiểm toán cho thấy Phúc Long Heritage (công ty vận hành chuỗi đồ uống Phúc Long) giảm doanh thu trong kỳ.

Theo Masan, nửa đầu năm, doanh thu Phúc Long giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được chỉ ra là do việc mở cửa hàng mới chậm hơn trong bối cảnh ngành bán lẻ F&B gặp khó khăn.

Trong nửa đầu năm ngoái, Phúc Long đạt 820 tỷ đồng doanh thu. Qua đó thể ước tính được doanh thu nửa đầu năm nay của Phúc Long khoảng hơn 782 tỷ đồng. Trong đó, các cửa hàng flagship (bên ngoài chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+) vẫn là động lực tăng trưởng chính, đạt 581 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Do đó, có thể thấy “gánh nặng” kéo doanh thu của Phúc Long giảm vẫn đến từ các kiosk tích hợp với chuỗi WinMart/WinMart+. 

 Kiosk Phúc Long bên trong một cửa hàng WIN. (Ảnh: Đức Huy).

Kiosk Phúc Long từng được kỳ vọng là nhân tố sẽ giúp Phúc Long tăng doanh số, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường F&B khi cộng sinh với hàng nghìn cửa hàng mini, siêu thị WinMart trên cả nước kể từ khi triển khai đầu năm 2021. 

Thế mạnh của mô hình kinh doanh này có thể được nhìn thấy như: Tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng hệ thống chuỗi; Chia sẻ tập khách hàng sẵn có của WinMart và cuối cùng là cơ hội mở rộng về các khu vực ngoài đô thị - những nơi các thương hiệu F&B chưa hiện diện nhiều.

Tính đến cuối năm ngoái, gần 1.000 kiosk Phúc Long đã được mở trên toàn quốc. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này chưa chứng minh được hiệu quả về mặt con số và ban lãnh đạo Masan đã sớm nhận ra tình hình.

Trong báo cáo tài chính cuối năm ngoái, Masan Group thừa nhận Phúc Long đã đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả và việc này tiêu tốn 42 tỷ đồng chi phí. Bên cạnh đó, ban điều hành công ty đang tiến hành đánh giá toàn diện trong quý I năm 2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Thực tế này kéo dài đến quý I năm nay, khi Phúc Long cho thấy trong khi doanh thu tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ có nhiều cửa hàng flagship được mở hơn, tuy nhiên lợi nhuận của chuỗi lại giảm do kiosk hoạt động kém hiệu quả.

Để cải thiện tình hình, Phúc Long đã thử nghiệm mô hình “Hub-and-spoke”. Đây được định nghĩa là mô hình chuyển khách hàng online từ cửa hàng flagship sang kiosk xung quanh đó vào giờ cao điểm. Động thái này giúp các cửa hàng flagship phục vụ khách hàng tại cửa hàng tốt hơn.

Thực tế trong giai đoạn thử nghiệm cho thấy doanh thu hàng ngày của các kiosk đã tăng lên 2,8 lần. Đến quý II, mô hình này đã giúp nâng doanh thu trung bình ngày của các kiosk Phúc Long lên 40% so với trước khi chuyển đổi mô hình trong nửa đầu năm.

Nếu như mô hình kiosk là mối bận tâm của ban lãnh đạo thì cửa hàng flagship Phúc Long lại cho thấy hiệu quả tốt so với các chuỗi đối thủ trong ngành. Theo báo cáo Q&me cho thấy doanh thu hàng ngày trên mỗi cửa hàng của Phúc Long đang cao gấp đối so với đối thủ Highlands Coffee.

Năm 2022, với 605 cửa hàng, doanh thu mỗi tháng trên từng cửa hàng của Highlands Coffee đạt 516,89 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, mỗi cửa hàng Highlands Coffee mang về 16,5 triệu đồng. Cả năm, chuỗi đồ uống của ông chủ Philippines này đạt doanh thu 3.700 tỷ đồng.

Phía bên kia đối thủ, Phúc Long có 133 cửa hàng flagship, doanh thu trung bình tháng và ngày trên mỗi cửa hàng Phúc Long lần lượt đạt 986,79 triệu đồng và gần 33 triệu đồng. Năm ngoái, Phúc Long đóng góp 1.579 tỷ đồng vào tổng doanh thu của Masan Group.

 Bên trong một cửa hàng flagship Phúc Long tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Không chỉ có doanh thu trên mỗi cửa hàng tốt hơn, theo số liệu từ Masan Group, chuỗi Phúc Long cũng đang đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận. Năm ngoái, Phúc Long đạt 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA. 

“Trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới”, phía công ty cho hay.

Trên cơ sở đó, năm nay Phúc Long dự kiến sẽ mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng cho Masan, tương ứng với mức tăng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có. 

Đức Huy