|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mark Zuckerberg 'bắt tay' người giàu thứ hai châu Á, đặt móng cho tham vọng tạo ra siêu ứng dụng

10:24 | 31/08/2022
Chia sẻ
WhatsApp, ứng dụng trong hệ sinh thái Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg sẽ hợp tác với một chi nhánh trong tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani, qua đó lần đầu cho phép người dùng mua sắm trực tiếp trên ứng dụng này.

Theo thông tin từ tạp chí Fortune, người dân Ấn Độ có thể sẽ sớm được đặt hàng tạp hóa thông qua ứng dụng WhatsApp, một trong những ứng dụng thuộc hệ sinh thái của Meta.

Cụ thể, ngày 29/8, Meta, công ty mẹ của Facebook và cả WhatsApp đã công bố mối quan hệ đối tác mới với JioMart, một cửa hàng tạp hóa trực tuyến thuộc sở hữu của tập đoàn Reliance Industries do tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ Mukesh Ambani điều hành, cho phép người dùng WhatsApp ở Ấn Độ có thể mua sắm trực tiếp thông qua ứng dụng WhatsApp.

Người dùng WhatsApp ở Ấn Độ có thể nhắn từ “hi” tới số của JioMart để bắt đầu mua sắm. Chatbot của JioMart sẽ phản hồi bằng một danh mục hàng tạp hóa để đặt hàng. Người dùng chỉ cần nhập địa chỉ của họ và thanh toán cho hàng tạp hóa thông qua ứng dụng, theo nội dung quảng cáo mới cho dịch vụ.

“Đây là trải nghiệm mua sắm từ đầu đến cuối đầu tiên của chúng tôi trên WhatsApp. Giờ đây mọi người có thể mua hàng tạp hóa từ JioMart ngay trong một cuộc trò chuyện”, CEO Mark Zuckerberg của Meta viết trong một bài đăng trên Facebook.

Tỷ phú người Mỹ nói thêm: “Business messaging (thông điệp kinh doanh) là một lĩnh vực có động lực thực sự và những trải nghiệm dựa trên trò chuyện như thế này sẽ là cách giao tiếp hàng đầu của mọi người và các doanh nghiệp trong những năm tới”.

WhatsApp của tỷ phú Mark Zuckerberg sẽ hợp tác cùng JioMart của tỷ phú Mukesh Ambani. (Ảnh: Business Today).

Nền móng cho tham vọng tạo ra siêu ứng dụng

Dịch vụ mới này của Meta tại Ấn Độ có thể là bước đầu tiên trong việc hoàn thành mục tiêu tạo ra một siêu ứng dụng của nhà sáng lập Mark Zuckerberg. Năm 2019, tỷ phú người Mỹ đặt ra tham vọng biến các nền tảng của Meta thành một công cụ “tất cả trong một” (all in one) có thể tập trung “gọi điện, trò chuyện bằng video, chat nhóm, story, kinh doanh, thanh toán, thương mại và nhiều loại dịch vụ tư nhân khác”.

Cuối năm đó, Mark Zuckerberg than thở rằng ông đã không lắng nghe lời khuyên từ Jessica Lessin, một nhà báo của tờ The Information, được đưa ra từ năm 2015 để sao chép thành công cách làm của WeChat, một ứng dụng nhắn tin đã trở thành siêu ứng dụng do gã khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc sở hữu.

Ở Trung Quốc, WeChat giống việc một người dùng có thể kết hợp cả WhatsApp, Uber, Fortnite và Instagram cùng trên một ứng dụng duy nhất. WeChat cũng là một ứng dụng nhắn tin chứa toàn bộ hệ sinh thái các ứng dụng nhỏ khác nhau. Người dùng có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn, mua hàng tạp hóa và chơi trò chơi mà không cần rời khỏi WeChat.

Dịch vụ đặt hàng tạp hóa mới của WhatsApp ở Ấn Độ có thể giúp gã khổng lồ Meta kiếm tiền thêm từ WhatsApp sau khi mua ứng dụng này với giá 19 tỷ USD vào năm 2014. Không giống như các nền tảng khác của Meta là Facebook và Instagram, WhatsApp không kiếm tiền thông qua quảng cáo trực tiếp. Thay vào đó, các doanh nghiệp trả tiền cho WhatsApp để có khả năng nhắn tin cho những khách hàng tiềm năng, những người nhấp vào quảng cáo từ Facebook hoặc Instagram.

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 500 triệu người dùng và các doanh nghiệp ở đó cũng dựa vào ứng dụng này để tạo ra sợi dây kết nối với khách hàng và nhân viên.

Tháng 10 năm ngoái, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram cũng như ứng dụng WhatsApp của Meta đã ngừng hoạt động trong 5 giờ trên toàn cầu. Sự cố mất điện gây ra ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến thị trường Ấn Độ. Giám đốc điều hành của một công ty sản xuất máy phát điện nói với tạp chí Fortune vào thời điểm đó rằng nếu không có WhatsApp, ông không thể liên lạc với các bệnh viện, trường học và các tổ chức khác, những người có thể cần doanh nghiệp của ông để cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp.

Mối quan hệ đối tác mới của WhatsApp với JioMart vừa đóng vai trò như một chìa khóa để tạo ra công cụ kinh doanh mới, vừa giúp thắt chặt mối quan hệ giữa Meta và Reliance Industries hai năm sau khi Meta, lúc đó vẫn được gọi là Facebook, đầu tư 5,7 tỷ USD để mua 9,9% cổ phần trong Jio Platforms, chi nhánh công nghệ của Reliance Industries.

“Khi Jio Platforms và Meta công bố mối quan hệ hợp tác của chúng tôi vào năm 2020, Mark và tôi đã chia sẻ tầm nhìn về việc giúp nhiều người và doanh nghiệp tham gia kinh doanh trực tuyến hơn, đồng thời tạo ra các giải pháp thực sự sáng tạo sẽ mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày của người dân Ấn Độ”, Mukesh Ambani, Chủ tịch Reliance Industries cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 29/8.

Hiện tại, cả hai vị lãnh đạo của hai doanh nghiệp là Mark Zuckerberg và Mukesh Ambani đều là những người nằm trong top 20 người giàu nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Forbes, tỷ phú Mark Zuckerberg đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 56,6 tỷ USD, là người giàu thứ 19 thế giới. Trong khi đó, ông Mukesh Ambani sở hữu khối tài sản ròng trị giá 95,4 tỷ USD, là người giàu thứ 8 thế giới, đồng thời cũng là người giàu thứ hai châu Á nói chung và Ấn Độ nói riêng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Doanh Chính

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.