|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lý do doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn và không thể lớn

16:49 | 26/11/2018
Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, đóng góp 40% vào GDP. Rất ít doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh và thiếu sự phát triển đồng đều so với các thành phần kinh tế khác. 
doanh nghiep tu nhan khong muon lon hay khong the lon Trung Quốc cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư ồ ạt ra nước ngoài

Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định đến năm 2020, kinh tế tư nhân đóng góp 50% vào GDP.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp và đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, đóng góp 40% vào GDP. Rất ít doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh và thiếu sự phát triển đồng đều so với các thành phần kinh tế khác.

Những câu hỏi liên quan đến việc tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức vào ngày 22/11 thu hút ý kiến của các chuyên gia tham dự.

doanh nghiep tu nhan khong muon lon hay khong the lon
Các đại biểu tham dự "Toạ đàm tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển". Ảnh: Tuệ An

Doanh nghiệp tư nhân Việt đuối sức trên thương trường

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cho biết theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ khoảng 54% số lượng công ty đăng ký kinh doanh thực chất đang hoạt động. Ông cho rằng một số doanh nghiệp đang đuối sức trong cạnh tranh, biểu hiện ở số lượng doanh nghiệp thành lập và doanh nghiệp đang chờ hoạt động. Về mặt tổng thể, ông nhận định con số 54% cho thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu đuối sức.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận định nhiều doanh nghiệp thành lập rồi chết yểu, còn một số phát triển lớn mạnh và tạo nên tên tuổi như Big C, bánh kẹo Kinh Đô lại sớm “bỏ cuộc chơi” nhượng lại cho nước ngoài.

Chỉ vài tên tuổi lớn, giữ vai trò doanh nghiệp đầu đàn như Tân Hiệp Phát, TH True Milk hay Vingroup vẫn tiếp tục hành trình. Một số doanh nghiệp, như Tân Hiệp Phát bên cạnh xây dựng thương hiệu còn cố gắng giữ gìn, phát triển thương hiệu Việt. Đó là sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước.

Đại diện cho một trong những doanh nghiệp đầu đàn trong nền kinh tế Việt Nam, bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, phát biểu: “Theo thống kê của thế giới, sau 5 năm, khoảng 95% sẽ thất bại, chỉ 5% sống sót. Nhóm sống sót sẽ tiếp tục phát triển trong 15, 20 năm. Do vậy, số doanh nghiệp hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng doanh nghiệp muốn lớn cũng không thể lớn vì hạn chế về nguồn lực và năng lực”.

doanh nghiep tu nhan khong muon lon hay khong the lon
Bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát chia sẻ tại Toạ đàm "Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển". Ảnh: TA.

Bà Uyên Phương nhận định, tất cả các doanh nghiệp đều gặp một giới hạn là người lãnh đạo.

"Người lãnh đạo có thể phát triển tới đâu thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là nóc của cả cái bình, nên nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp", bà lập luận.

Bà cũng chia sẻ rằng, hiện nay rất ít người biết doanh nghiệp gia đình chiếm tới 60-70% số lượng doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở nhiều nhiều quốc gia lên tới 90%. Riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số doanh nghiệp tầm 20 năm đến 30 năm đã bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những yếu tố mà họ phải thay đổi.

Yếu tố khiến doanh nghiệp tư nhân “ngại” lớn

Bên cạnh vấn đề liên quan đến năng lực của doanh nghiệp, bà Uyên Phương cũng cho rằng muốn vượt khỏi thứ mà doanh nghiệp đang làm tốt, nhiều khi người lãnh đạo cần phá vỡ cái cũ. Liệu doanh nghiệp có dám đột phá hay không?

Tân Hiệp Phát cũng phải đối mặt với những nỗi sợ, bởi đột phá nào cũng đi kèm rủi ro. Nhắc đến câu chuyện từ chối số tiền 2,5 tỷ USD để bán công ty cho Coca cola vào năm 2012, bà nói: “Tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát cao hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy điểm yếu của bản thân để đi tiếp”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch DNNVV, ông Tô Hoài Nam, cũng như một số chuyên gia khác đều nhận định một trong những cản trở lớn nhất khiến DNNVV “ngại” phát triển chính là tính liêm chính của cơ quan thi hành cơ sở.

Đại diện cho phía DNNVV, ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax, nhận định môi trường kinh doanh ổn định và có một định hướng rõ ràng để cho doanh nghiệp có thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn và định hướng cho doanh nghiệp đang là một hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng như các nhà hoạch định chính sách phải nhận thấy vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mới xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp, dài hạn hay ngắn hạn để doanh nghiệp bám theo mà hoạch định chiến lược.

Lợi thế của doanh nghiệp tư nhân

Theo bà Trần Uyên Phương, một trong yếu tố thuận lợi của doanh nghiệp tư nhân là quyền tự chủ và quyền định đoạt tất cả những tài sản họ có. Ví dụ, khi phải cân đối giữa những quyết định chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nếu bây giờ Tân Hiệp Phát có những cổ đông khác hay Tân Hiệp Phát lên sàn thì đây sẽ một bài toán rất khác khi phải cân nhắc về việc chi trả cho cổ đông như thế nào.

Nêu ra những ví dụ cụ thể, khi đầu tư máy móc thiết bị, Tân Hiệp Phát dám mạnh dạn đầu tư những hệ thống hiện đại nhất châu Á. Chỉ khi Tân Hiệp Phát có quyền tự chủ, tự định đoạt, công ty mới dám làm và quyết nhanh như thế, bởi rủi ro mà công ty phải đối mặt là rất lớn.

Nữ doanh nhân dẫn lời Chủ tịch Trần Quí Thanh của Tân Hiệp Phát: “Bây giờ, nếu công ty tiếp tục mở rộng, các con sẽ trả nợ chứ ba không có mà trả nữa, tụi con có dám làm không?”.

Bà nói: “Chúng tôi phải sẵn sàng trả lời cho câu hỏi đó vì đối với doanh nghiệp, mỗi lần tăng trưởng là một gánh nợ. Như vậy liệu cổ đông khác dám làm hay không? Những lợi thế chúng tôi vẫn đang thấy là cả gia đình đồng tâm với sứ mệnh mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Nếu có cổ đông khác, chúng tôi sẽ khó quyết định do không thể thu hồi vốn ngay, và cũng không thể bảo đảm phần thắng tuyệt đối”.

Gần đây, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nói, hiện chúng ta ở giai đoạn không phải đuổi kịp doanh nghiệp nước ngoài nữa. Bây giờ, khi biên giới không còn rõ ràng, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng, cơ hội cho các nước đầu tư. Vấn đề là chúng ta chuẩn bị thế nào với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn như thế. Bà Uyên Phương nhận định: “Chúng ta hiện phải dùng từ sánh vai hoặc vượt lên chứ không phải ở vị thế bắt kịp nữa. Đó là lợi thế của doanh nghiệp tư nhân”.

Xem thêm

Tuệ An