Lưu giữ những đặc sản sắp mất
Du học thạc sỹ kinh tế bên Mỹ, chàng trai về quê thổi hồn cho đặc sản Việt | |
Doanh nghiệp Việt gom đặc sản đi chinh phục thị trường Thái |
Gần đây, khi phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam phát triển mạnh, vấn đề sưu tầm và phục tráng các giống cây trồng, vật nuôi bản địa đang dần biến mất mới được nhiều người quan tâm nhằm xây dựng thương hiệu nông sản vùng miền, phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn các loại gien quý.
Sống ở TP HCM nhiều năm, kinh tế khá giả đủ để mua nhiều loại đặc sản mình thích nhưng chị Trần Kim Hạnh (quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vẫn luôn có cảm giác "đồ ăn giờ không ngon như hồi xưa". "Bây giờ rau quả, thịt cá nhiều loại vừa to vừa đẹp nhưng ăn vào thì nhạt nhẽo. Ngay ở quê tôi, chỉ một số nhà còn giữ lại vài cây con giống cũ như ổi xá lị quả nhỏ, khi chín thơm phức để nhà ăn, còn các vườn trồng chuyên canh để bán đều sử dụng giống mới" - chị Hạnh tiếc rẻ.
Dưới góc độ kinh doanh, ông Phan Tư Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sông Xanh (TP HCM), nhìn nhận nhu cầu thị trường đối với các sản vật vùng miền đã tăng mạnh thời gian gần đây. "Thu nhập của người tiêu dùng tăng lên nên họ muốn tìm lại những hương vị ngày xưa" - ông nhận xét.
Cải xanh Bình Chánh (TP HCM) có vị cay như mù tạt sắp trở lại thị trường |
Theo ThS Dương Kim Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trung tâm đang tiến hành phục tráng một số giống bản địa gồm: dưa leo, cà chua, đậu bắp (huyện Hóc Môn), khổ qua Củ Chi, cải bẹ xanh Bình Chánh và bầu sao An Giang. Đây là những giống trái ngon nổi tiếng ở các địa phương nhưng hiện không còn được canh tác hoặc giống bị lai tạp, mất những phẩm chất ban đầu. Chẳng hạn, cải bẹ xanh Bình Chánh có đặc tính nổi trội là vị the cay như mù tạt trong khi giống cải xanh hiện nay chỉ có vị the nhẹ; hay giống dưa leo Củ Chi có màu xanh đẹp cùng hình dạng trái "thắt eo" rất hiếm có trên thị trường.
"Nông dân có thể bỏ giống địa phương để trồng các loại giống mới năng suất cao nhưng dưới góc độ khoa học thì việc bảo tồn và lưu giữ nguồn gien địa phương là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Nhờ đó góp phần ngăn chặn nguy cơ xói mòn nguồn gien, phục vụ các yêu cầu bảo đảm tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái bền vững đồng thời bảo đảm an ninh lương thực" - ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương Kim Hà, với các loại giống bản địa được phục tráng thành công, trung tâm sẽ chuyển giao cho các hộ nông dân trồng trong các mô hình sản xuất điển hình ở TP HCM. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác nếu có nhu cầu về nguồn giống này vẫn có thể liên hệ trung tâm để nhận chuyển giao.
Nhiều năm tư vấn cho các DN sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Hồ Văn Đông, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Peterson Service Việt Nam, cho biết: "Ở Việt Nam, giống hữu cơ rất hiếm, gần như phải nhập khẩu toàn bộ nên chúng tôi khuyến khích nông dân nên tự để giống như cách truyền thống của ông bà ta trước đây. Việc này giúp nhà vườn chủ động về nguồn giống, giảm chi phí mua giống, bảo tồn được các giống bản địa. Một điểm nổi bật là giống địa phương sẽ phù hợp với thổ nhưỡng ở đó nên sẽ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nếu chăm sóc tốt sẽ có năng suất cao".
Ngân hàng giống bản địa Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, một trong những nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là giống không biến đổi gien. Khi canh tác hữu cơ, ngay từ khâu chọn giống, ông luôn rất "cảnh giác" với giống mới, nhất là các loại đã được công bố ứng dụng biến đổi gien thành công như bắp, đậu nành, cà chua, đu đủ, dưa lưới… "Với từng loại giống đưa vào trồng, chúng tôi đều phải tham vấn tổ chức chứng nhận hữu cơ xem có được phép hay không. Hiện nay, Vinamit phải tự sản xuất giống hữu cơ từ nguồn các giống bản địa của ông bà ta. Chúng tôi cũng đang xây dựng một ngân hàng giống hữu cơ, bản địa để chia sẻ cho các trang trại" - ông Viên cho biết. |