|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp từ đặc sản quê nhà

07:49 | 19/03/2018
Chia sẻ
Kiến trúc sư 9X Phạm Xuân Thành quyết định về quê (Cà Mau) làm thương hiệu cho con tôm rừng để giữ gìn mô hình trồng rừng - nuôi tôm sinh thái của gia đình
khoi nghiep tu dac san que nha Người phụ nữ biến vỏ bưởi thành đặc sản

Phạm Xuân Thành sinh năm 1991, tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP HCM và đi làm theo chuyên môn đã học với dự định lập nghiệp tại TP HCM.

Biết tựa vào thiên nhiên

Ở quê, gia đình Thành sống bằng nghề trồng rừng - nuôi tôm trên diện tích 9 ha ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ba má Thành đã sống bằng nghề này 27 năm nhưng đang có ý định bán đi hoặc cho thuê đất rừng vì tuổi đã lớn, con cái đều ở TP HCM. Thành thấy tiếc nếu mảnh đất này bị mất đi trong khi dân thành phố đang cần những sản phẩm gia đình đang có bao gồm sản phẩm tôm sạch và một điểm du lịch sinh thái. Trước đó, Thành đã có thời gian bán hàng trực tuyến (online) nên tự tin rời phố về quê khởi nghiệp từ chính đặc sản của gia đình.

khoi nghiep tu dac san que nha
Phạm Xuân Thành bán hàng tại Phiên chợ Xanh tử tế

Thành mở doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Con Tôm để bán hàng và nhận ra người tiêu dùng rất ít biết đến tôm thiên nhiên. Nhiều người vẫn nghĩ tôm thiên nhiên chỉ còn tôm biển, còn lại là tôm nuôi công nghiệp, tôm đánh bắt ở thiên nhiên không còn nữa. Thế nhưng, tại quê Thành, thực tế là người dân trồng rừng đước và sống bằng đánh bắt nguồn lợi thủy sản dưới hệ sinh thái rừng này rất nhiều. Ở đây là rừng ngập mặn, người dân trồng đước được nhà nước cung cấp giống sẽ có quyền khai thác rừng sau 15 năm. Để gia tăng thêm nguồn lợi, người dân thả giống tôm, cua vào rừng của nhà và không cần bổ sung thêm thức ăn, tôm tự kiếm ăn từ hệ sinh thái dưới rễ cây đước.

Với tôm, mỗi tháng người dân chỉ đánh bắt 2 lần theo con nước triều cường (vào quãng rằm và mùng 1), sản lượng không nhiều nhưng có giá trị cao. Hiện tại, thương lái vào tận rừng tôm của nông dân thu mua nguyên liệu xô đã 150.000-170.000 đồng/kg. Đây là dòng nguyên liệu chất lượng cao được thu gom để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đó là lý do thị trường nội địa, người tiêu dùng gần như không biết đến dòng sản phẩm này.

Từng bước định hình thương hiệu "con tôm rừng"

Thời gian đầu, Thành khá vất vả trong việc thuyết phục khách hàng tin vào sản phẩm của mình, nhất là khi giá bán khá cao so với thị trường, chủ yếu là tôm công nghiệp giá rẻ. Cụ thể, hiện Thành đang bán tôm đất đông lạnh đóng gói 400-500 g/hộp với giá 300.000 đồng/kg (tôm đất), 350.000 đồng/kg (tôm thẻ), 300.000-340.000 đồng/kg (tôm sú, tùy kích cỡ) còn tôm khô từ 1,4-2,1 triệu đồng/kg. Vì thế, Thành phải liên tục mời khách dùng thử, giới thiệu quy trình sản xuất bằng hình ảnh, kết quả xét nghiệm mẫu tôm, giấy xác nhận của địa phương mô hình nuôi tôm của gia đình… Nhiều khi để bán được 100 g tôm, Thành phải nói đến 5-7 phút, thậm chí khách không mua Thành vẫn giới thiệu về mô hình sản xuất độc đáo của địa phương.

Rồi Thành mở thêm tour du lịch sinh thái (dẫn và trả khách tại TP HCM) để khách trải nghiệm về cuộc sống của người dân vùng nuôi tôm sinh thái Cà Mau ngay tại nhà mình. Mục đích chính của Thành vẫn là quảng bá cho tôm sinh thái chứ chưa đặt nặng doanh thu lĩnh vực này. Đến nay, khi Thành mang dự án khởi nghiệp của mình đi tham gia một số cuộc thi và được nhiều người biết đến, Thành tập trung vào bán tôm nên chỉ cung cấp điểm đến cho khách chứ không trực tiếp dẫn đoàn như trước.

Đến nay, mỗi tháng Thành bán được khoảng 300 kg tôm đông lạnh, 30 kg tôm khô, cộng thêm từ dịch vụ du lịch, doanh thu đạt 100 triệu đồng/tháng. Thành có một điểm bán lẻ trực tiếp tại Phiên chợ Xanh tử tế do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào cuối tuần, cung cấp cho một số cửa hàng chuyên thực phẩm sạch và bán hàng trực tuyến. Mong ước của Thành là mở được thêm thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… để anh có thể thu mua thêm tôm từ bà con xung quanh, giúp họ giữ nghề truyền thống cũng như hệ sinh thái quý giá, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu "con tôm rừng" phục vụ người tiêu dùng trong nước thay vì bán nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu.

Hiện anh đã đầu tư một kho đông lạnh tại chỗ, 4 tủ đông và 1 nhà kính để phơi tôm khô. Nhờ những cơ sở vật chất mới đầu tư mà sản phẩm của Thành đã nâng được chất lượng, độ đồng đều. Công ty có 5 lao động chính thức, ngoài ra khi hàng nhiều Thành còn thuê thêm nhân công thời vụ.