|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lưới điện truyền tải chịu áp lực vì phải 'gánh' sản lượng lớn năng lượng tái tạo dư thừa

12:00 | 27/03/2021
Chia sẻ
Theo Công ty Truyền tải điện 3 do sự phát triển nhanh chóng của nguồn điện mặt trời trong khu vực trên lưới điện phân phối, nên việc hoàn thành kế hoạch sản lượng điện truyền tải năm 2021 là hết sức khó khăn.

Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong năm 2019 và 2020, tổng công suất điện mặt trời đấu nối vào lưới điện truyền tải (220 - 500kV) và lưới điện phân phối ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới gần 8.500MW, chiếm 42% tổng công suất đặt nguồn điện khu vực.

Riêng năm 2020, 9 công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận) tiếp nhận tổng cộng 13,48 tỷ kWh qua lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý.

Trong khi nguồn năng lượng tái tạo dư thừa (ngoài việc cấp cho 9 công ty điện lực) được truyền tải từ lưới 110kV lên lưới 220kV, 500kV qua các máy biến áp 220kV là 2,22 tỷ kWh, chiếm khoảng 16,5% tổng lượng điện thương phẩm nói trên. 

Ước tính, sản lượng nguồn năng lượng tái tạo phát ngược lên lưới truyền tải năm 2021 có thể lên tới 5,4 tỷ kWh.

Theo ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), lưới điện truyền tải ngoài việc nhận điện từ hệ thống 500kV và các nhà máy điện qua đường dây 220kV trong khu vực, nay còn tiếp nhận sản lượng lớn năng lượng tái tạo dư thừa từ lưới điện phân phối (dưới 110kV) qua các MBA 220kV hòa vào lưới điện quốc gia, gây ra đầy tải, quá tải lưới điện 220kV.

Hiện nay, các Trung tâm Điều độ đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện, để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV trong khu vực còn non tải. 

Tuy nhiên, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, có khi quá tải nội vùng các đường dây 220kV. PTC3 đã chỉ đạo các đơn vị truyền tải điện tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, MBA, đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường. 

Ngoài ra, một số công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ cần cắt điện, PTC 3 phải bố trí vào ban đêm khi điện mặt trời ngừng phát, nên rất khó khăn trong thi công, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ông Đinh Văn Cường cũng cho biết thêm, do sự phát triển nhanh chóng của nguồn điện mặt trời trong khu vực trên lưới điện phân phối, nên việc hoàn thành kế hoạch sản lượng điện truyền tải năm 2021 là hết sức khó khăn.

Để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực và xử lý tình trạng vận hành đầy tải, quá tải lưới điện do PTC3 quản lý, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chỉ đạo các đơn vị trong năm 2021 hoàn thành đưa vào vận hành máy biến áp AT2 trạm 220kV Phan Rí (Bình Thuận), đường dây 220kV Nha Trang – Krông Buk mạch 2, Krông Buk – Pleiku 2 mạch 2  để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải các đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu triển khai các dự án đường dây 220kV mạch kép Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải các đường dây 220kV khu vực Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Đồng thời xây dựng đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2 và công trình treo dây mạch 2 đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2, giải quyết tình trạng vận hành đầy và quá tải khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận trong những năm tới.

Như Huỳnh