|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năng lượng tái tạo có còn ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII?

13:46 | 23/03/2021
Chia sẻ
Nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, sự phát triển rất nhanh cũng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), Bộ Công Thương dự kiến đưa tổng công suất nguồn điện gió trên bờ lên khoảng 11.320 MW vào năm 2025, khoảng 16.010 MW vào năm 2030 và khoảng 39.600 MW vào năm 2045.

Đưa tổng công suất điện gió trên biển lên khoảng 3.000 - 5.000 MW hoặc có thể cao hơn khi có điều kiện thuận lợi vào năm 2030 và khoảng 21.000 MW vào năm 2045.

Tổng điện năng sản xuất từ các loại hình dự án điện gió dự kiến chiếm tỷ trọng khoảng 7,9% vào năm 2025, khoảng 8,1% vào năm 2030 và khoảng 19,2% vào năm 2045.

Với điện mặt trời, Bộ Công Thương dự kiến phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, gồm cả các nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất, mặt hồ và các nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. 

Tổng công suất nguồn điện mặt trời khoảng 17.200 MW vào năm 2025, khoảng 26.000 MW vào năm 2030 và đạt tới khoảng 55.000 MW vào năm 2045.

Điện năng sản xuất từ nguồn điện năng lượng mặt trời dự kiến đạt tỷ lệ khoảng 7,3% vào năm 2025, khoảng 5,3% vào năm 2030 và đạt 8,9% vào năm 2045.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. 

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...

Theo EVN, trong Quy hoạch điện VIII chủ yếu định hướng phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và nguồn điện sử dụng LNG, nhưng với quy hoạch mang tính động, mở nên chưa xác định quy mô, vị trí tiềm ẩn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Đồng thời, tỷ trọng nguồn truyền thống thấp, trong khi tỷ trọng năng lượng tái tạo quá lớn (cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 55) sẽ tác động lớn đến công tác đầu tư, vận hành hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Do đó, EVN kiến nghị cần xác định lại tỷ lệ nhất định nguồn năng lượng tái tạo đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn - tải (dựa trên số giờ huy động công suất khả dụng của nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi tỉnh, vùng, toàn quốc) và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.

Cũng theo EVN, chỉ xem xét cơ chế huy động ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo tới mức quy định theo định hướng của Nghị quyết 55 đối với từng giai đoạn. 

Trong đó, giai đoạn 5 năm đến 2030 là 15 - 20% năng lượng sơ cấp; đến 2045 là 25 - 30% năng lượng sơ cấp; tương đương 30% điện sản xuất năm 2030 và 40% điện sản xuất năm 2045).

Đồng thời, cần xác định rõ nhóm năng lượng tái tạo nằm ngoài nhóm được hưởng cơ chế ưu tiên huy động để có cảnh báo rõ ràng cho chủ đầu tư các dạng nguồn khác xem xét quyết định đầu tư, đặc biệt là chế độ vận hành lên xuống tải thường xuyên và số giờ vận hành thấp.

Ngoài chỉ tiêu tỷ trọng các dạng nguồn theo quy mô công suất đặt, cần có đánh giá tỷ trọng các nguồn theo nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tỷ trọng của nguồn năng lượng tái tạo để có các kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp.

"Với phương án phát triển nguồn được chọn, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo theo phụ tải xu hướng tăng từ 55,4% hiện nay lên 83% vào năm 2045 sẽ gây áp lực rất lớn đến công tác đầu tư (đầu tư kép – phải có nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo), chi phí vận hành hệ thống điện", EVN góp ý.

Tương tự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lưu ý vài năm gần đây, Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, tuy nhiên chi phí sản xuất điện năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với các loại hình năng lượng khác như thuỷ điện, điện than, điện khí làm tăng giá mua điện bình quân của EVN.

Điều này dẫn tới tăng giá điện sinh hoạt và điện sản xuất, gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khác, tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh và chi phí sinh hoạt của nhân dân.

“Vì vậy, việc bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch cần có tiến độ phù hợp và giải pháp hợp lý cho cơ chế giá điện, tránh tình trạng thay đổi lớn về giá bán điện bình quân cũng như áp lực lên hệ thống truyền tải điện như vừa qua”, PVN góp ý.

Như Huỳnh