|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lùi xem xét Luật Đặc khu: Nhiều phòng môi giới đóng cửa, NĐT nhỏ tìm cách chạy hàng

12:07 | 12/06/2018
Chia sẻ
Khi cao điểm, tất cả các văn phòng môi giới BĐS tại Bắc Vân Phong có khoảng 300 giao dịch/ngày, nhưng nay số giao dịch giảm đến 90%, thị trường gần như "đóng băng" khi có văn phòng không có được một giao dịch/ngày...

Nhiều văn phòng môi giới BĐS Bắc Vân Phong đóng cửa

Sáng 11/6 Quốc hội đã thống nhất lùi thời hạn thông qua Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) sang kỳ họp thứ 6 (diễn ra vào tháng 10/2018) với tỷ lệ đại biểu đồng ý đạt 85,63%.

Việc lùi thời gian xem xét và thông qua Luật Đặc khu cùng với những biện pháp làm hạ nhiệt cơn sốt đất đặc khu trước đó tại 3 khu vực Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong như tạm dừng phân lô bán nền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... lập tức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản (BĐS) tại ba nơi này.

lui xem xet luat dac khu nhieu phong moi gioi dong cua ndt nho tim cach chay hang
Thị trường BĐS Bắc Vân Phong gần như "đóng băng" sau quyết định tạm ngưng thông qua dự Luật Đặc khu trong kỳ họp Quốc hội mới đây.

Thành lập văn phòng môi giới BĐS tại Bắc Vân Phong từ cuối năm 2017 – thời điểm thông tin về các đặc khu tương lai bắt đầu làm thị trường rục rịch cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Điền, Chủ của văn phòng giao dịch BĐS VP Land cho PV biết, kể từ thời điểm có lệnh cấm mua bán đất thị trường tại đây đã bắt đầu giảm số lượng giao dịch rồi, sau đó đặc biệt giảm mạnh hơn khi có thông tin sẽ không thông qua dự Luật Đặc khu trong kỳ họp Quốc hội thứ 5 này.

Từ Nha Trang đi ô tô ra Bắc Vân Phong khoảng 50 km, từ sân bay Cam Ranh vào thì khoảng 110 km. Đa số khách đến Bắc Vân Phong tìm mua đất là người từ Hà Nội vào, Sài Gòn ra (nhiều người trong số này cũng là người gốc Bắc đến từ các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình…). Nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm đầu tư ở Phú Quốc, Vân Đồn rồi mới tìm vào Bắc Vân Phong để mua đất.

--- Ông Nguyễn Văn Điền

“Thị trường thời gian gần đây ế ẩm vô cùng, văn phòng vốn có 15 nhân viên trực thì nay tôi đã cho về bớt một nửa. Tuy không thống kê được con số chính xác nhưng trong thời kỳ cao điểm, tính chung tất cả các văn phòng giao dịch BĐS tại Vân Phong sẽ có khoảng 300 giao dịch/ngày. Đây có thể coi là con số rất lớn vì mỗi giao dịch BĐS thường có giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng (như vậy tính chung khoảng 300 giao dịch sẽ có tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng – PV). Nay số giao dịch giảm xuống còn khoảng vài chục giao dịch/ngày, chia cho mấy chục văn phòng thì bình quân mỗi văn phòng còn chưa có nổi 1 giao dịch/ngày”, ông Điền thông tin.

Hiện nay, riêng thị trấn Vạn Dã (huyện Vạn Ninh) có khoảng 30 văn phòng giao dịch BĐS – đây là nơi tập trung nhiều cơ sở môi giới nhất trong khu vực, ngoài ra còn có số khác ở Đại Lãnh (nằm ở đầu Bắc Vân Phong) hoặc ở ngay thành phố Nha Trang…

Nhà môi giới BĐS này ước tính, số lượng giao dịch BĐS hiện nay giảm khoảng 90% so với thời kỳ cao điểm nhất, thị trường đang gần như “đóng băng” khi chỉ có số ít hoạt động mua – bán, cả đối với các nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ cũng như NĐT lớn.

“Tại văn phòng của chúng tôi gần đây hầu như không có khách đến mua đất nữa, chỉ có ai không bán kịp thì để hàng đó thôi. Lúc này, có rất nhiều người rao bán đất nhưng lại không có người mua. Thậm chí còn có nhiều khách hàng “ôm” đất đến văn phòng giao dịch nhờ bán hộ để chạy hàng”, ông Điền nói.

Trong khi nhiều văn phòng giao dịch BĐS không chịu được “nhiệt”, đã phải đóng cửa, sang nhượng mặt bằng văn phòng để rút chân ngay khi thị trường bị đứng và đi xuống thì ông Điền vẫn duy trì văn phòng của mình, chi trả các chi phí cố định như thuê mặt bằng (hàng trăm triệu/năm), trả lương nhân viên… Ông chấp nhận chịu lỗ bởi tin rằng dự Luật Đặc khu chỉ tạm dừng thôi chứ chắc chắn sẽ được thông qua trong tương lai gần.

Chủ văn phòng VP Land dự đoán: “Chỉ khoảng vài tháng nữa thị trường sẽ sôi động trở lại khi mà dự Luật đặc khu được thông qua và Chính phủ kêu gọi được nhiều NĐT lớn cả trong nước và quốc tế vào đây. Việc xây dựng đặc khu là để tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế đất nước”.

Phú Quốc: Nhiều phòng giao dịch BĐS dỡ biển hiệu, NĐT bán tháo hàng

So sánh với Phú Quốc, ông Điền nhận định thị trường BĐS tại Phú Quốc còn bị chững lại trước cả Bắc Vân Phong do lệnh tạm ngưng giao dịch chuyển nhượng đất tại đây có sớm hơn.

lui xem xet luat dac khu nhieu phong moi gioi dong cua ndt nho tim cach chay hang
Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu.

Khi PV đem vấn đề này trao đổi với ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu (hoạt động tại Phú Quốc) thì được biết, chắc chắn có tình trạng NĐT nhỏ lẻ bị hụt hẫng sau khi dự Luật Đặc khu không được thông qua trong kỳ họp Quốc hội này, nhiều người sẽ bán tháo hàng để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ.

“Tuy nhiên hiện tượng đó chỉ xảy ra với các NĐT nhỏ, lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính thôi. Còn các doanh nghiệp lớn, vốn mạnh sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý, đây cũng chính là cơ hội để các NĐT lớn có thêm nhiều lựa chọn về nguồn hàng. Hiện nay, NĐT có nhiều cơ sở để giữ vững niềm tin vào thị trường khi mà casino sắp khai trương, các tuyến đường huyết mạch đã được mở rộng và nhiều NĐT lớn đã ồ ạt rót vốn vào Phú Quốc…”, ông Giới đánh giá.

Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu cho rằng, dự thảo Luật chưa làm yên lòng dân thì việc dừng lại để hoàn thiện và xem xét tiếp là rất cần thiết. Chính phủ đã kịp thời lắng nghe dân là điều rất đáng mừng. Đồng thời, quyết định này cũng góp phần hạ nhiệt BĐS tại các đặc khu tương lai, không làm vô hiệu hóa những cố gắng trước đó của chính quyền địa phương và Chính phủ, các Bộ ngành Trung Ương.

Thực tế, báo chí phản ánh, ngay từ trước khi Quốc hội lùi xem xét thông qua Luật Đặc khu thì thị trường BĐS Phú Quốc đã rơi vào cảnh "nguội lạnh", nhiều văn phòng BĐS đóng cửa, nhà đầu tư nhỏ tháo chạy. Tình trạng này xảy ra từ sau khi Phú Quốc đón nhận các thông tin về quyết định thanh tra những sai phạm về đất đai và tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo thông tin từ báo Người Lao động ngày 6/6, tại một số tuyến đường lớn ở Phú Quốc như Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám,…nhiều văn phòng môi giới BĐS hình thành trong đợt sốt đất vừa qua đã âm thầm tháo dỡ bảng hiệu, rút khỏi Phú Quốc.

Tại các văn phòng môi giới BĐS còn trụ lại ở Phú Quốc, hiện tình trạng chung là rất vắng khách, thậm chí có nơi đóng cửa do không có khách đến giao dịch. Tại các dự án phân lô bán nền, không còn hình ảnh nhân viên tư vấn ùa ra đường chào mời rôm rả khách mua nữa; có nơi còn tháo cả bảng dự án khu dân cư...

Tại Phòng Công chứng số 2 (đường Nguyễn Trung Trực) và Phòng Công chứng Phú Quốc (đường 30/4) sáng 6/6, rất ít khách đến giao dịch. Nhân viên của một phòng công chứng cho biết sau khi có quyết định tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, tách thửa thì lượng khách đến đây giao dịch giảm đi rất nhiều. Lúc trước, phòng công chứng làm cả ngày thứ 7 vẫn không hết khách, nay cả ngày có khi chỉ… ngồi chơi.

NĐT lớn tại Vân Đồn không bị ảnh hưởng từ quyết định tạm ngưng thông qua dự Luật đặc khu

Mới đây, trả lời trên VietnamFinance, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HD Mon Holdings (đơn vị đang đầu tư tại Vân Đồn) cho biết doanh nghiệp vẫn đang triển khai dự án bình thường và không bị ảnh hưởng nhiều từ quyết định tạm ngừng thông qua dự Luật Đặc khu.

Phó Chủ tịch HD Mon Holdings nhận định, thị trường BĐS tại tất cả các vùng quy hoạch đặc khu sẽ có rất nhiều biến chuyển nhưng không thể đổ vỡ sau quyết định hoãn thông qua Luật đặc khu. Bởi các vùng này đều có các nhà đầu tư từ lớn đến rất lớn tham gia với những kế hoạch dài hạn, bài bản và mức đầu tư rất lớn. Hơn nữa, luật mới chỉ tạm hoãn chứ chưa phải bỏ hẳn, do vậy các NĐT đều sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp tình hình.

“Riêng tại Vân Đồn, trong khoảng 2 năm trở lại đây đúng là đất đai, đặc biệt đất nền đang rất sốt. Những đợt sóng ở đây tuy không dồn dập nhưng nhìn chung đợt sóng sau thì thường chạm mốc cao hơn đợt trước. Khi cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thông xe thì thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Vân Đồn sẽ chỉ còn 1h30 phút, vùng đất này sẽ là điểm nóng. Các NĐT ở nhiều nơi đã đem tiền tới đây với hy vọng lướt sóng thành công, có nhiều người đã thành công nhưng cũng có không ít người thất bại…”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Xem thêm

Hiếu Quân