|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất huyện Thanh Trì sau điều chỉnh, cao nhất gần 117 triệu đồng một m2

19:35 | 22/12/2024
Chia sẻ
Trong 18 huyện và thị xã của Hà Nội, Thanh Trì có giá đất vừa điều chỉnh cao nhất, gần 117 triệu đồng một m2.

Theo bảng giá đất điều chỉnh của Hà Nội, giá đất tại huyện Thanh Trì tăng bình quân 190%.

Cụ thể, giá đất ở vị trí đẹp nhất trên 3 tuyến đường thuộc huyện Thanh Trì, gồm Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều), Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt) và Phạm Tu có mức cao nhất 116,9 triệu đồng một m2. Đây cũng là mức giá cao nhất trong số các huyện của Hà Nội sau điều chỉnh bảng giá đất.

Mức giá mới tại đường Nghiêm Xuân Yêm tăng gần 520% so với bảng giá cũ. Đường Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều) đắt thêm khoảng 264%. Còn đường Phạm Tu, hay còn gọi là đại lộ Chu Văn An trước đây, chưa ghi nhận dữ liệu.

Xếp sau Thanh Trì trên bảng giá mới là huyện Gia Lâm với mức 68,14 triệu đồng mỗi m2 tại đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên), tăng 195%. Đường Nguyễn Đức Thuận (thị trấn Trâu Quỳ) có giá đất điều chỉnh lên 65,13 triệu đồng một m2, tăng hơn 310%.

Hiện tại, Thanh Trì và Gia Lâm cùng 3 huyện khác (Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng) của Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian tới. Gia Lâm dự kiến thực hiện vào đầu 2025, còn Thanh Trì vào cuối năm sau.

Ở chiều ngược lại, mức giá đất ở thấp nhất là khu dân cư nông thôn tại nhiều xã của huyện Ba Vì, khoảng 1,24 triệu đồng một m2. Mức giá này tăng gấp 2,35 lần trước đây.

Đường vành đai 3 trên cao qua - đoạn phía dưới qua Nguyễn Xiển và Nghiêm Xuân Yêm, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tháng 8/2024. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Các mức điều chỉnh này được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng thực tế hai năm qua. Cơ quan này thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.

Theo đơn vị này, giá chuyển nhượng đất ở thực tế tại các huyện, phổ biến dao động 1,2 triệu - 70 triệu đồng một m2. Một số trường hợp cá biệt có giá đột biến như ở các lô đất có ít nhất một mặt giáp mặt đường tại quốc lộ 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) với 100 triệu một m2. Hoặc thửa đất giáp mặt đường ở phố Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) 120 triệu đồng mỗi m2.

Còn giá mua bán thấp nhất được khảo sát là 210.000 đồng một m2 với lô mặt ngõ rộng 3,5 m trở lên, tại đường Thân Nhân Chung, thị trấn Sóc Sơn.

Tại bảng giá mới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng giá đất ở tại các huyện với mức phổ biến 150 - 190%. Trong đó, mức 190% áp dụng tại các tuyến phố của 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng tăng bình quân 175%.

Giá đất ở điều chỉnh cao nhất Hà Nội tại loạt tuyến đường của quận Hoàn Kiếm như Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) với hơn 695 triệu đồng một m2.

Mức giá này cũng được áp dụng cho các tuyến đường Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nhà Thờ và Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn).

Bảng giá đất điều chỉnh được Hà Nội áp dụng từ 20/12 đến hết năm sau. Đây là căn cứ để tính tiền bồi thường, xác định giá đất cho người tái định cư với người được bồi thường về đất ở; tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bảng giá cũng được dùng điều chỉnh các khoản phí và lệ phí liên quan đến sử dụng, chuyển nhượng đất hoặc khi làm các thủ tục hành chính về đất đai...

Anh Tú