Bài học đặc khu Thẩm Quyến: từ làng chài thành ‘Silicon Valley’ của Trung Quốc
Đặc khu kinh tế Trung Quốc: Phòng thí nghiệm cho 'điều thần kỳ' Trung Quốc | |
Chứng khoán Thẩm Quyến giảm mạnh nhất trong 10 tháng qua |
Trong khuôn khổ tọa đàm tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2018 (VRES 2018) mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đặt vấn đề: Quốc hội vẫn đang cân nhắc việc thông qua Dự Luật đặc khu. Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nên chuẩn bị gì để đón nhận dòng vốn, xu thế phát triển của thị trường địa ốc ở các đặc khu tương lai?
Ông Winston Lee cho biết, Thẩm Quyến (Trung Quốc) là một trong những đặc khu kinh tế thành công nhất mà ông từng chứng kiến khi từ một làng chài phát triển đến mức thu nhập bình quân/người cao hơn cả Hồng Kông. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Trả lời câu hỏi này, ông Winston Lee, Giám đốc dự án khu vực, tập đoàn Property Guru nêu ví dụ về trường hợp xây dựng đặc khu kinh tế thành công nhất mà ông từng chứng kiến – đó là Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Ông Lee cho biết: “Năm 1980, lãnh đạo Trung Quốc đã muốn cởi trói nền kinh tế đất nước, nhưng việc áp dụng các chính sách mới không phải trên toàn quốc, mà chỉ định việc thử nghiệm chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường ở Thẩm Quyến mà thôi. Ban đầu, Thẩm Quyến chỉ là một làng chài, nhưng nay thu nhập trung bình của người dân Thẩm Quyến thậm chí còn cao hơn người dân Hồng Kông, giá BĐS của Thẩm Quyến cũng đang ở mức cao hơn so với Hồng Kông”.
Thẩm Quyến chính là bài học để nhiều nơi khác học theo. Nơi đây có đặc điểm khí hậu tương tự với Hồng Kông, lại chỉ cách Hồng Kông một bờ biển, trong khi giá cả ở Hồng Kông quá cao, những điều này thúc đẩy các nhà đầu tư người Hồng Kông sang Thẩm Quyến đầu tư.
Đây chính là bài học về việc lựa chọn vị trí phát triển đặc khu kinh tế để tận dụng được thế mạnh, “nước lên thuyền lên”. Đặc khu phải vận động được toàn bộ nguồn lực kinh tế và có chính sách tự do thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
“Trước đây có nhiều người Hồng Kông có vợ hai là người Thẩm Quyến, Thẩm Quyến vốn là ‘sân sau’ phục vụ cho việc phát triển Hồng Kông. Nhưng nay Thẩm Quyến đã có nhiều công ty lớn và vươn mình trở thành 'Silicon Valley' của Trung Quốc. Khác với Singapore có một số vùng đặc khu hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước Singapore, Thẩm Quyến không phát triển phục vụ cho ai, mà là phục vụ riêng cho chính nó, nơi đây tự phát triển một số ngành kinh tế mang thế mạnh riêng của mình”, Giám đốc dự án khu vực tập đoàn Property Guru nhận định.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, đặc khu kinh tế tương lai sẽ có các chính sách ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp và sản phẩm BĐS phải hiện đại, có tính tương thích, phù hợp với nhiều đối tượng sẽ sinh sống và làm việc ở các đặc khu tương lai, không chỉ là người dân Việt Nam, mà còn có nhiều người nước ngoài, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau…
Cùng với sự tăng lên người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam, dòng vốn FDI được các chuyên gia nhận định là sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai. Vậy cơ hội nào cho các nhà kinh doanh BĐS nhỏ lẻ, môi giới nhà đất trong bối cảnh này?
Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Lâm Bình, Giám đốc IMM Property khẳng định, việc các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác cùng nhà đầu tư trong nước để phát triển dự án đã và đang diễn ra, xu hướng này sắp tới sẽ còn nhiều hơn.
“Thực tế, các khách hàng người nước ngoài rất ưa chuộng các dự án này và họ rất muốn đầu tư vào đó. Để tiếp cận với nhóm khách hàng nước ngoài này, trước tiên các nhà đầu tư cá nhân, môi giới cần chuyên nghiệp hóa từ quy trình mua bán. Hiện có nhiều dự án, ngay chủ đầu tư đưa ra quy trình bán hàng cũng không chuẩn nên môi giới đi theo cũng không đúng cách, khách nước ngoài rất e ngại vấn đề quy trình bán hàng không rõ ràng. Ngoài ra, lực lượng môi giới cần trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, các công ty môi giới lớn hiện nay đang rất cần lực lượng môi giới biết ngoại ngữ để chuẩn bị cho những “trận đánh lớn” trong 2019”, ông Bình góp ý.
Ở góc độ của một nhà đầu tư nước ngoài, ông Wiston Lee nói: “Nhà đầu tư nước ngoài khi tới mảnh đất mới như Hà Nội hay TP HCM, chúng tôi chưa biết về đặc điểm thổ địa ở nơi đó. Chúng tôi cần thông tin minh bạch về thị trường, dự án bởi thị trường mỗi nơi mỗi khác, ví dụ có một số nơi thu phí của người nước ngoài cao hơn. Nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn những vị trí có đông người ở bởi những thị trường đó rất hấp dẫn, hầu hết họ đều không muốn mua sản phẩm không cho thuê được”.
Ngoài ra, người nước ngoài không ở Việt Nam cả 365 ngày/năm nên họ rất chú trọng đến các dịch vụ bảo trì, quản lý căn hộ, chung cư. Chủ đầu tư, người bán sản phẩm nào có thể cung cấp được các dịch vụ này sẽ có lợi thế để họ cân nhắc lựa chọn nhiều hơn.