Bà Phạm Chi Lan nói về đặc khu: Có lĩnh vực người Việt không được làm nay lại cho nước ngoài làm với nhiều ưu đãi
Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (dự luật đặc khu), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã trao đổi với báo chí những quan điểm của mình về việc có nên thông qua dự luật này hay không và cần lưu ý những gì khi xây dựng ba đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Theo bà Lan, trước hết nên tạm dừng lại, Quốc hội đừng thông qua dự luật vội để hỏi thêm ý kiến của các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… và hỏi ý kiến của đông đảo người dân nữa.
"Gần đây tôi ngồi trên xe taxi cũng được người dân chia sẻ nỗi bức xúc, lo lắng về dự luật này, nhất là quy định về việc cho thuê đất 99 năm… Trong thời đại các mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA và mở cửa thì mô hình đặc khu đã không còn phù hợp nữa. Trong khi dự thảo luật đặc khu lại đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư (NĐT) tại đặc khu, điều này trái với các cam kết FTA về việc tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng cho các NĐT khác nhau ở Việt Nam. Đặc biệt gây chèn lấn đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, có lĩnh vực người Việt không được làm nhưng nay lại cho người nước ngoài làm với nhiều ưu đãi", bà Lan nói.
Bàn về việc mới đây Chủ tịch Quốc hội thông tin rằng Bộ Chính trị đã có kết luận về dự thảo luật đặc khu rồi, bà Phạm Chi Lan cho rằng, có thể Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương lớn vì mong muốn Việt Nam phát triển một cách đột phá. Tuy nhiên, có thể Bộ Chính trị chưa xem xét được chi tiết, phụ lục kèm theo luật, chính những quy định kèm theo này đã mở toang cánh cửa của Việt Nam quá rộng cho các NĐT nước ngoài, cũng như không tính toán hết những tác động của dự thảo này…
"Nhiều khi cái chết ở các chi tiết chứ không phải ở bản thân văn bản pháp luật đâu. Dựa theo kinh nghiệm cá nhân nhiều năm được mời góp ý vào các dự thảo luật, chính sách của Việt Nam, tôi luôn e sợ các nhóm lợi ích cài cắm lợi ích riêng của mình, nhiều khi chỉ vài từ trong văn bản pháp luật thôi là có thể làm lệch hoàn toàn ý tưởng của luật đó đi", bà Lan nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam không thể chạy theo việc mà thế giới đã làm từ 30 - 40 năm trước, đặc khu như Thâm Quyến – Trung Quốc xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước thành công được vì lúc đó họ đang duy trì nền kinh tế kế hoạch, họ mở đặc khu để có thể áp dụng các chính sách ưu đãi mới. Nhưng ở thời đại thế giới phẳng như hiện nay thì việc mở đặc khu liệu hiệu quả kinh tế có được như kỳ vọng? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thể hiện thái độ rất đồng tình với ý kiến này.
Trước đây, Trung Quốc làm đặc khu Thâm Quyến bởi rất muốn có những cải cách mạnh mẽ hơn. Họ muốn thực hiện thí điểm để từ đó chứng minh lợi ích của việc cải cách, của chính sách mới. Khi đó, tác dụng lớn nhất của đặc khu không chỉ là làm cho Thâm Quyến phát triển, mà là những chính sách mới sau đó được nhân rộng trên toàn nước Trung Quốc để phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm cải cách, đã tham gia nhiều FTA và cam kết mở cửa thị trường, chúng ta nên tập trung vào việc thực hiện các cam kết này. Nếu có thí điểm thì nên thí điểm các chính sách khó có thể làm trên cả nước. Ví dụ như yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ nên áp dụng thí điểm tại các khu công nghệ cao, sau đó mới áp dụng trên cả nước. Nên làm như thế chứ không phải là “khuôn” đặc khu lại thành các quốc gia nhỏ, mà mỗi đặc khu lại có những thể chế riêng biệt không thể áp dụng trên cả nước.
Bà Lan dẫn chứng: "Nước ta hiện có gần 500 khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển… Dù đã áp dụng một số chính sách riêng nhưng các khu này vẫn chưa phát triển. Chúng ta cần có đánh giá thấu đáo về việc này và tập trung phát triển cho được các khu này trước. Như khu công nghệ cao Hòa Lạc sau 20 năm vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, số NĐT vào đó vẫn ít. Khi ông Phùng Quốc Hiển đến thẩm tra cùng đoàn ĐBQH mới biết là dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng lại không triển khai được vì vướng 13 luật chưa sửa…".
Trong thời đại này không có ngành nào quá kéo dài, Việt Nam mong dùng những chính sách ưu đãi thật nhiều về thuế, tiền thuê đất, thời hạn sử dụng đất… cũng vô nghĩa, không có tác dụng thật sự với người đầu tư, chỉ tạo cơ hội cho những người đầu cơ được trục lợi trên đất đai.
Khi nhận định về ý kiến “bỏ 1 đồng vào đặc khu có thể thu lại được 10 đồng hoặc 100 đồng”, bà Lan cho rằng, có thể câu nói đó có ý nghĩa ám chỉ dòng vốn của NĐT đổ vào các đặc khu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Vân Đồn và Phú Quốc, người ta đã mua đất, vào làm du lịch nghỉ dưỡng gần hết rồi. Trường hợp này không cần bỏ một đồng ưu đãi nào chúng ta đã có thể thu về nhiều đồng rồi.
Nhưng số tiền NĐT bỏ vào không quan trọng bằng việc Việt Nam thu lại được bao nhiêu.
Việt Nam trước nay thu hút rất mạnh nguồn vốn FDI nhưng lợi ích giành lại khiêm tốn lắm. Một tổ chức của Ngân hàng Thế giới từng đánh giá nước ta vẫn còn tình trạng lấy của người nghèo chia cho người giàu, tình trạng né thuế, chuyển giá, báo cáo lỗ hoài nhưng vẫn xin mở rộng dự án đầu tư…
Vị chuyên gia kinh tế này nói thêm, thế giới đánh giá sự tỷ lệ thành công của đặc khu là 50-50. Tuy nhiên thực tế đã có nhiều bài học các nước tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc như Srilanka (tiếp nhận đầu tư Trung Quốc để làm cảng biển nhưng không có tiền trả nên phải bán cảng biển đó cho Trung Quốc) hay Châu Phi cũng nhận nhiều dự án đầu tư và trở thành con nợ của Trung Quốc… Những bài học này khiến người dân lo lắng về việc các đặc khu trong tương lai chưa đến 50 năm đã có thể rơi vào tay Trung Quốc…