Bà Phạm Chi Lan: ‘Đất đặc khu ít, hàng vạn người dân dễ bị đẩy ra để làm dự án’
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Ðến lúc quay trở lại với nội lực |
Tại buổi thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đưa ra quan điểm, cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm không thực sự cần thiết khi mà trong thời buổi cách mạng công nghệ 4.0 sự thay đổi tính bằng ngày.
Không ngành nào dám đảm bảo sẽ hoạt động kéo dài đến 90 năm, kể cả những doanh nghiệp sản xuất hàng đầu hiện nay như thép Hòa Phát hay ô tô Trường Hải. Chưa kể, nếu doanh nghiệp phá sản trong 10 – 20 năm thì ai sẽ quản lý việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất này?
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan. |
“Nếu ưu đãi thuế thì ngành cần khuyến khích nhất phải là Công nghệ cao và giáo dục. Cách mạng 4.0 sẽ khiến vòng đời sản xuất sản phẩm ngắn lại nên tầm nhìn phải đi trước nhiều năm. Như khi tham gia TPP, nhiều chuyên gia nhận xét lợi thế nhất của Việt Nam là ngành may mặc khi xuất sang các nước phát triển, nhưng nghiên cứu quốc tế lại chỉ rõ ngành này có thể mất đến 86% giá trị khi cách mạng 4.0 diễn ra… Nếu chúng ta không thấy rõ tuổi thọ của các ngành trong thời đại hiện nay thì việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ là thừa thãi”, bà Phạm Chi Lan phân tích.
Cho thuê đất đến 99 năm thì gần như là quyền sở hữu rồi. Thời gian cho thuê đất dài như vậy thực tế chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản (BĐS) bởi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực sản xuất khác có chu kỳ và vòng đời sản xuất ngắn hơn rất nhiều.
Bà Lan nói: “Bóng dáng lợi ích của nhóm doanh nghiệp BĐS khá rõ trong chính sách này, tuy nhiên không có đất nước nào giàu lên bằng BĐS. Việt Nam cần phát triển rất nhiều ngành khác nhau bởi Công nghiệp hóa không thể lấy phát triển BĐS làm chủ lực được”.
Chuyên gia này lý giải, BĐS tạo hiệu ứng rất tệ khi hút nguồn tiền đầu tư và giảm sự thích thú của các nhà đầu tư vào các ngành khác như công nghiệp hay nông nghiệp. Việt Nam đất chật người đông, ba đặc khu có rất ít đất nên dễ xảy ra tình trạng hàng vạn người dân bị đẩy ra để lấy đất làm dự án. So sánh với nhiều đặc khu kinh tế khác trên thế giới, hầu hết các đặc khu chỉ cho thuê đất trong 50 năm (như Trung Quốc), một số nơi thậm chí chỉ cho thuê trong 20 năm…
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS. Lưu Bích Hồ cũng cho rằng Việt Nam có ý định kéo các nhà đầu tư quốc tế vào các đặc khu nên vấn đề đất đai tại đặc khu hiện nay chủ yếu là việc nhà đầu tư nước ngoài thuê đất.
“Tại sao chúng ta lại tạo điều kiện dễ dãi hơn cho doanh nghiệp nước ngoài? Họ không cần, họ chỉ cần bình đẳng thôi. Gắn đất đai với quyền sử dụng trong thời gian quá dài là không cần thiết và cũng không tốt cho con cháu mai sau vì giá trị 1ha đất bây giờ so với 5 – 10 năm sau đã khác hẳn. Việc kéo dài thời gian cho thuê đất 70 – 90 năm là bằng 3 – 4 vòng đời sản phẩm (mỗi chu kỳ chỉ khoảng 10 – 15 năm) và gần bằng mấy vòng đời doanh nghiệp rồi”, TS. Hồ nhận định.
Hiện tình hình giao dịch đất đai tại các đặc khu đang rất nóng. Vị trí của Vân Đồn lại đặc biệt nhạy cảm nên TS. Hồ đề nghị tạm dừng việc thông qua dự thảo luật đặc khu kinh tế vì thời điểm hiện tại không thích hợp. Ông cho rằng Việt Nam đầu tư quá nhiều nhưng chưa chắc đã thu lại được kết quả tương xứng, ngoại trừ địa phương thu về được một phần thuế, còn các vấn đề khác như đời sống người dân, cơ chế hành chính vượt trội… vẫn còn tồn tại nhiều băn khoăn.