Ưu đãi thuế đặc khu: Thất thu thuế từ DN FDI càng trầm trọng, lo ngại DN Việt chuyển lợi nhuận ra ngoài để né thuế
Cắt giảm hàng loạt ưu đãi đặc khu kinh tế: Nhiều ý kiến ủng hộ |
Nhiều tranh luận chờ Quốc hội quyết về luật đặc khu |
Tại buổi seminar Happy Hour số 8 thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều nay (ngày 23/5), ThS. Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao Chương trình Quản trị của tổ chức Oxfam đưa ra khuyến nghị rằng các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo luật là không cần thiết.
ThS. Nguyễn Thu Hương khuyến nghị rằng các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo luật đặc khu là không cần thiết. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Nguyên nhân đơn vị này đưa ra là các lĩnh vực ưu đãi không có gì mới so với các luật khác; ba ngành mới là casino, nghỉ dưỡng, bất động sản (BĐS) thì vốn đã thu hút đầu tư khi chưa có luật đặc khu; đối tượng khác được hưởng ưu đãi thuế là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu sáng tạo - nhóm này có kết quả kinh doanh không ổn định nên việc miễn thuế trong ngắn hạn có thể cũng không mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư...
"Hơn nữa, các chính sách ưu đãi thuế có thể làm trầm trọng hóa vấn đề thất thu thuế từ hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp. Các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, đang bị thất thu 100 tỷ USD hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia", ThS. Nguyễn Thu Hương cho biết.
Oxfam lo ngại rằng chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo luật đặc khu sẽ tạo một "vùng trũng" về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển giá, mà chính doanh nghiệp Việt cũng có thể né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu kinh tế sang các doanh nghiệp ở trong đặc khu. Chi phí quản lý thuế và hải quan cũng sẽ tăng lên...
Hơn nữa, hình thức ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận nhiều quốc gia đã không sử dụng nữa (như Jamaica, Ấn Độ, Ai Cập...). Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 - 2018, ba yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải là ưu đãi thuế mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Chính tại Việt Nam, 85% nhà đầu tư được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (James 2014).
Cũng tại buổi seminar, ông Henrique Alencar, Tư vấn chính sách về Thuế và Bất bình đẳng, Oxfam Novib, đánh giá: "Ưu đãi thuế tại đặc khu dẫn đến thâm hụt ngân sách và tăng mức thuế phải thu ở những nơi khác, khiến cuối cùng chính là người dân, doanh nghiệp nhỏ phải cõng gánh nặng thuế thay cho doanh nghiệp lớn, làm gia tăng bất bình đẳng giữa các công ty trong và ngoài đặc khu. Hiện thay vì tính ưu đãi thuế dựa theo lợi nhuận, nhiều nước đã áp dụng ưu đãi thuế dựa trên nguồn vốn đầu tư (như khối G20), điều này sẽ khuyến khích tạo ra nguồn vốn đầu tư trực tiếp để phát triển...".
Tại Việt Nam, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn FDI chiếm gần 46% lợi nhuận toàn bộ các loại hình doanh nghiệp thì lại chỉ đóng số thuế thấp nhất trong các thành phần kinh tế (số liệu Tổng cục Thống kê tháng 2/2017). Báo cáo của Oxfam về Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam 2016 cũng cho rằng việc ưu đãi thuế này chưa hiệu quả và tác động kinh tế như mong đợi, trong khi lại tạo ra sự thất thu ngân sách, tác động tiêu cực về môi trường và xã hội.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhiều năm qua được coi là thành công hơn nhiều nước khi mà tỷ lệ FDI đóng góp vào các ngành cao vượt trội. Tuy nhiên, thể chế ưu đãi cho doanh nghiệp FDI quá nhiều gây mất bình đẳng và khiến quy mô doanh nghiệp trong nước hiện giảm số lượng xuống còn bằng một nửa so với năm 2015, trong khi phần đóng thuế của doanh nghiệp FDI lại thấp hơn hẳn so với tỷ lệ của họ trong các ngành.
"Khoảng 70% doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng chục năm nhưng vẫn xin mở rộng đầu tư - đó chính là mảnh đất của chuyển giá. Những năm gần đây, nhà nước thu hồi lại được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ các doanh nghiệp FDI chuyển giá bị phanh phui", bà Lan nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính đưa ra con số: Việt Nam từng phát hiện 720 doanh nghiệp FDI (tức là 88% tổng số doanh nghiệp FDI) có dấu hiệu chuyển giá và đã đề xuất thu hồi khoảng 20 tỷ USD trong năm 2013.
"Chưa kể, chúng ta ưu đãi thuế cho các ngành công nghệ cao và nghiên cứu vẫn mang tính định tính chứ không định lượng. Ví dụ như Samsung toàn mang linh kiện qua nước ta lắp ráp nhưng ta cũng xếp họ vào ngành công nghệ cao và ưu đãi thuế. Tôi đề nghị Bộ Tài chính và cơ quan thuế cần rà soát lại toàn bộ để xem ngành gì cần tiếp tục ưu đãi, ngành gì nên bỏ đi...".
Các chuyên gia đều đồng tình rằng ưu đãi thuế quá nhiều trong dự thảo luật đặc khu có thể tạo ra "vùng trũng" về thuế. (Ảnh: Quân Hiếu) |
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam đang tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thuế bởi nhiều loại thuế buộc phải giảm đi, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... khiến ngân sách năm vừa rồi giảm, thu không đủ chi. Trong khi xây dựng đặc khu cần hàng triệu tỷ đồng, các chính quyền có đặc khu đều đang kêu gọi nhà nước bỏ ra (kể cả kêu gọi vốn từ nhà đầu tư tư nhân thì nhà nước cũng phải bỏ ra "vốn mồi"). Vậy chúng ta lấy ở đâu ra?
"Hầu hết các quốc gia đều đã bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vào đó là tạo cơ chế thông thoáng về tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh... Trong 30 năm thu hút đầu tư chúng ta đã có nhiều ưu đãi thuế nhưng chưa hề có đánh giá đầy đủ về việc các ưu đãi tạo lực hút như thế nào, hiệu quả đầu tư ra sao?... Chúng ta nên thận trọng từ từ xem xét dự luật đặc khu để biến nơi đây thành nền kinh tế lớn cho 20 - 30 năm sau", PGS. Thịnh nêu ý kiến.
Ông còn thông tin thêm, hiện EU đã xếp Việt Nam vào 1 trong 47 quốc gia màu xám vì ưu đãi thuế quá cao và cần theo dõi. Nếu giờ tiếp tục ưu đãi nữa thì cộng đồng quốc tế sẽ nghĩ gì và cư xử với chúng ta ra sao trong các hiệp định quốc tế và quan hệ đối tác? Nếu tạo "vùng trũng" về chính sách thuế thì việc chuyển giá sẽ tiếp tục là căn bệnh nan y không chỉ với thuế và thâm hụt ngân sách mà còn là với cả nền kinh tế này.
Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn thất thoát thuế từ Uber, Grab | |
Ngân sách 'suýt' hụt thu gần 3.000 tỷ đồng thuế từ các cửa hàng ăn uống | |
Xăng dầu Hàn Quốc ồ ạt về Việt Nam: Lo thất thu thuế |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/