Hoãn thông qua dự Luật Đặc khu, NĐT nhỏ bán tháo hàng, cơ hội gom đất cho các DN trường vốn?
Luật Đặc khu: Tiếp thu theo hướng bỏ cho thuê đất 99 năm |
NĐT nhỏ vội bán hàng để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ?
Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu. |
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (dự Luật Đặc khu) tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm thay vì kỳ họp thứ 5 hiện tại, đồng thời điều chỉnh nội dung thời hạn giao/cho thuê đất đặc khu tối đa không quá 99 năm... Thông tin này lập tức có tác động đến thị trường bất động sản (BĐS) vốn đang sốt nóng tại các đặc khu tương lai ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Trao đổi với PV, ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu (tại Phú Quốc) cho biết, những nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ, ít vốn hoặc đang sử dụng đòn bẩy tài chính (vay vốn ngân hàng để đầu tư) đang rất lo sợ.
“Thời gian các NĐT chờ đợi, nghe ngóng thông tin từ đợt sốt đất vừa rồi đến thời điểm quyết định có thông qua dự Luật Đặc khu hay không kéo dài khoảng 2 tháng. Quãng thời gian chịu đựng đó không phải là dài, nhưng với việc Quốc hội chưa thông qua dự Luật Đặc khu trong kỳ họp lần này lại khiến cho họ hụt hẫng, chắc chắn nhiều người trong số họ sẽ có xu thế bán tháo để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ tại các thị trường có đặc khu”, ông Đặng Đức Giới nói.
Trước đó theo ghi nhận của Báo Pháp luật TP HCM, nhiều văn phòng giao dịch BĐS tại Phú Quốc vắng tanh, thậm chí đóng cửa.
Một văn phòng BĐS ở Phú Quốc đóng cửa trong ngày 6/6. (Ảnh: Pháp luật TP HCM) |
Một giao dịch viên giải thích lý do chính là bởi việc tạm ngưng chuyển mục đích sử dụng đất manh mún và thông tin hoạt động của đoàn Thanh tra Chính phủ về đất đai tại Phú Quốc. Ngoài ra, còn bởi nhiều người đầu tư “lướt sóng” đã đổ nợ vì bỏ tiền đặt cọc. Khách hàng cứ thưa dần khiến các văn phòng này phải đóng cửa, rút về đất liền để giảm thiệt hại do chi phí thuê nhà, trả lương nhân viên...
Còn báo Diễn đàn Doanh nghiệp đưa tin, anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn trên địa bàn Vân Đồn cho biết, thông tin Quốc hội tạm dừng thông qua dự Luật Đặc khu đã gây tâm lý hoang mang cho các NĐT lướt sóng. Ngay buổi sáng ngày 9/6 anh đã nhận điện thoại từ hàng trăm NĐT gọi đến nhằm nghe ngóng thông tin thị trường, một số NĐT nhỏ lẻ trót ôm đất chờ thời muốn bán dự án để trả nợ...
Anh Tùng cho biết, vấn đề mà nhiều người quan tâm là sau khi dừng thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp Quốc hội này thì các khu vực như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có mở cửa giao dịch, cho phép các NĐT tiếp tục mua bán hay không?...
Phú Quốc: Nhiều văn phòng bất động sản vắng tanh |
Cơ hội cho NĐT lớn gom đất?
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu nhận định rằng xu thế nói trên sẽ không tác động nhiều đến đại cục của thị trường. Hệ lụy từ quyết định trên sẽ chỉ ảnh hưởng lớn đến các NĐT có chủ trương ngắn hạn, những người đầu cơ “ăn xổi”. Còn những NĐT lớn, làm bài bản thì sẽ không thiếu cơ hội để lại bứt lên sau những biến cố về dự đoán chính sách.
Với những NĐT có tư duy bền vững thì chuyện luật thông qua hay chưa là việc không quá lớn đối với họ. Thị trường BĐS sẽ phát triển thực chất, bền vững hơn trong một môi trường thể chế chính sách minh bạch, ổn định, do đó luật đặc khu có chất lượng hơn sẽ làm cho các đặc khu phát triển tốt hơn, bền vững và sẽ được lòng dân hơn.
“Thị trường hiện nay có thể nói cũng là cơ hội cho nhiều NĐT có tiềm lực, NĐT mới. Họ sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn về nguồn hàng: BĐS có vị trí tốt, quy hoạch ổn định, pháp lý rõ ràng... sau khi một số NĐT khác không chịu được “nhiệt” và áp lực của lãi vay và rút chân khỏi thị trường”, ông Giới nhận xét.
So với đợt sốt đất Phú Quốc tại thời điểm năm 2014 - 2015 thì trong đợt sốt đất này, NĐT vẫn tự tin hơn và có nhiều động lực để giữ đất, giữ giá chờ thời cơ. Bởi dù dự Luật Đặc khu bị hoãn thông qua, nhưng họ vẫn giữ niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn này khi mà tại đây sắp khai trương casino, mở rộng thêm nhiều tuyến đường huyết mạch và có sự rót vốn mạnh, triển khai dự án ồ ạt của nhiều nhà đầu tư lớn vào địa phương...
Hiện nay, nội tại thị trường BĐS Phú Quốc vẫn đang họat động sôi nổi và ngày càng hướng vào thực chất, hoàn thiện hơn. Có thể nói, việc Quốc hội chưa thông qua dự luật đặc khu lần này cũng được xem là cơ hội để sàng lọc NĐT, sàng lọc thị trường để môi trường kinh doanh BĐS Phú Quốc tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.
Vị lãnh đạo công ty phát triển BĐS đặc khu khẳng định: "Quan trọng là dự luật có được thông qua hay không và thời gian thông qua là bao giờ. Còn nội dung dự luật dù có thay đổi thì tôi cho rằng cũng không tác động nhiều đến thị trường BĐS nói chung, bởi các nội dung điều chỉnh hầu hết đều chỉ ảnh hưởng đến các NĐT lớn, NĐT ngoại. Dù vậy, nội dung dự luật chắc chắn có sự điều chỉnh để cân bằng và hấp dẫn nguồn vốn đầu tư, nếu giảm thời hạn cho thuê đất thì sẽ tăng ưu đãi... Nếu Luật đặc khu mà không có những nội dung đặc biệt, vượt trội, thu hút hơn thì tôi nghĩ sẽ khó đi vào thực tiễn và khó được chấp nhận".
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc TVR trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp rằng sẽ không có chuyện thị trường BĐS ảnh hưởng lớn sau quyết định tạm dừng thông qua dự Luật Đặc khu bởi thành lập các đặc khu chỉ là việc sớm hay muộn. Đối với các doanh nghiệp lớn, đây sẽ là cơ hội giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn bởi giá đất trước đó đã bị các NĐT nhỏ lẻ đẩy lên cao.
“Quyết định lùi thời gian thông qua đặc khu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người mua đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp chờ chuyển đổi. NĐT mua những khu vực chưa có quy hoạch rõ ràng sẽ gặp rủi ro lớn. Còn với những NĐT lướt sóng muốn bán thời điểm này cũng khó giao dịch”, ông Quỳnh nêu quan điểm.