|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đông Nam Á vỡ mộng đặc khu kinh tế Trung Quốc

07:49 | 20/02/2020
Chia sẻ
Lợi ích mà các đặc khu kinh tế mang lại cho các quốc gia Đông Nam Á đang bị đặt dấu hỏi.
Đông Nam Á vỡ mộng  đặc khu kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: asia.nikkei.com

Tại một khu vực xa xôi ở miền Bắc Lào, rừng tre xanh um phải nhường chỗ cho các cần cẩu xây dựng. Một thành phố đang dần hình thành bên trong khu rừng tre này: những tòa tháp cao phủ bóng lên các nhà hàng, quán bar, karaoke, cửa hiệu massage. 

một đặc khu kinh tế 

Nơi đây chỉ chấp nhận nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng baht Thái. Các bảng hiệu trên đường phố đều bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Các đồng hồ ở thành phố này đều cài đặt theo giờ Trung Quốc, nghĩa là trước 1 tiếng so với các nơi khác ở Lào.

Đông Nam Á vỡ mộng  đặc khu kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở các quốc gia Đông Nam Á. Lấy ví dụ, năm 2018, Trung Quốc chiếm gần 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Lào. Một phần trong số vốn này chảy vào các khu vực như Mandalay, một thành phố ở Myanmar, nơi cộng đồng người Trung Quốc đã có mặt từ lâu. 

Nhưng phần lớn số vốn trên lại đang chảy vào các SEZ nhằm tận dụng những chính sách ưu đãi như thủ tục giấy phép nhanh hơn, các chương trình miễn giảm thuế hoặc thuế quan và cơ chế kiểm soát nới lỏng hơn đối với dòng chảy vốn và hàng hóa.

Trong dòng chảy vào Đông Nam Á, các doanh nghiệp Trung Quốc là một động lực vô cùng quan trọng. Ngay từ những năm 2000 Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích doanh nghiệp nước họ đầu tư ra nước ngoài. 

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đã thúc đẩy nhanh xu hướng này. Ngoài đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn dầu, Trung Quốc còn đẩy mạnh tốc độ bành trướng của các SEZ, “vốn hiện là một mô hình được ưa chuộng cho công cuộc bành trướng kinh tế của Trung Quốc”, Brian Eyler, thuộc tổ chức nghiên cứu Stimson Centre (Mỹ), nhận định.

Dưới ngọn cờ “Một vành đai, Một con đường”, 160 doanh nghiệp Trung Quốc đã rót hơn 1,5 tỉ USD vào các SEZ tại Lào, theo Land Watch Thai. Từ năm 2016-2018, Trung Quốc đã đầu tư 1 tỉ USD chỉ vào 1 SEZ duy nhất là Sihanoukville, một thành phố trên bờ biển Campuchia.

Đông Nam Á vỡ mộng  đặc khu kinh tế Trung Quốc - Ảnh 3.

Vốn Trung Quốc đi đến đâu thì lao động nước họ đi đến đó. Tại Mandalay, người Trung Quốc từ chỗ chỉ chiếm 1% dân số vào năm 1983, nay đã lên tới 30-50%. Tại những nơi có SEZ, tỉ lệ này còn cao hơn. 

Vào năm 2019, số người Trung Quốc ở Sihanoukville đã tăng rất nhanh so với 2 năm trước lên tới gần 1/3 dân số. Sức ảnh hưởng kinh tế của cộng đồng người Trung Quốc đã tăng theo tỉ lệ tăng của người nhập cư. 

Tại Mandalay, 80% khách sạn, hơn 70% nhà hàng và 45% cửa hàng trang sức đều được sở hữu và điều hành bởi người Trung Quốc, theo một nghiên cứu thị trường được thực hiện vào năm 2017.

Một nghiên cứu về các SEZ năm 2017 của Focus on The Global South, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bangkok, kết luận rằng cơ cấu lập pháp và quản trị ở các SEZ tại Campuchia và Myanmar đều hướng về lợi ích của các nhà đầu tư và đi ngược lại với lợi ích của người dân địa phương và môi trường nơi đó. 

Cùng chung quan điểm, Alfredo Perdiguero, Giám đốc Hợp tác khu vực tại Đông Nam Á, thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận xét, các SEZ ở Lào, Campuchia và Myanmar vẫn chưa lan tỏa lợi ích đến toàn bộ nền kinh tế.

Đông Nam Á vỡ mộng  đặc khu kinh tế Trung Quốc - Ảnh 4.

Một phần là do các công ty Trung Quốc thường không tuyển dụng người dân địa phương. Đến năm 2018, công nhân Lào chỉ chiếm 34% số việc làm được tạo ra bởi tất cả 11 SEZ tại Lào, một con số rất thấp so với mức 90% mà Chính phủ cam kết. 

Các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra lý do là công nhân địa phương thiếu kỹ năng, nhưng các tổ chức xã hội tại Myanmar thì phản biện bằng cách dẫn chứng một trường cao đẳng kỹ thuật gần Kyaukpyu, một khu cảng và SEZ có gốc Trung Quốc. Không ai từ trường cao đẳng này được tuyển dụng vào làm việc ở đó, theo một bài báo được xuất bản vào năm ngoái.

Nguyên liệu đầu vào gần như nhập từ nước ngoài, thay vì trong nước. Các nhà máy may mặc ở SEZ Sihanoukville, chẳng hạn, đều nhập khẩu vải, nút và chỉ. 

Công nhân và du khách Trung Quốc tại các SEZ ở Đông Nam Á thường chi tiêu tại các cửa hàng và nhà hàng do người Trung Quốc sở hữu và tránh thuế tiêu dùng bằng cách trả tiền hàng hóa và dịch vụ qua các ứng dụng Trung Quốc như Alipay. 

“Tiền thực sự không hề rời khỏi Trung Quốc”, Sebastian Strangio, tác giả một cuốn sách sắp ra mắt có nội dung về sức ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc tại Đông Nam Á, nhận định.

Cùng với các chính sách ưu đãi thuế, điều này có nghĩa là hầu như nước sở tại không được hưởng lợi ích gì nhiều từ vốn Trung Quốc. Năm 2017, Bộ Tài chính Lào chỉ huy động được 20 triệu USD từ các SEZ, chiếm chưa 1% doanh thu của nó.

Việc xây dựng các SEZ cũng gây nhiều xáo trộn sinh kế cho người dân địa phương. Golden Triangle, chẳng hạn, được xây dựng trên các cánh đồng lúa ở làng Ban Kwan, buộc hơn 100 hộ dân phải di dời sang nơi khác.

Dù vậy, các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á vẫn muốn thu hút nhà đầu tư Trung Quốc vào nước mình với kỳ vọng vốn Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế nước họ. Ở vài phương diện, dòng vốn này cũng mang lại một số lợi ích. 

Tại Lào, đầu tư nước ngoài đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP trung bình lên tới 7,7%/năm trong thập niên vừa qua.

Văn Quốc