Lợi thế cạnh tranh của Bách Hóa Xanh liệu có bền vững?
Theo báo cáo phân tích về CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), về lý thuyết các đối thủ hoàn toàn có thể áp dụng cách thức triển khai của Bách Hóa Xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế không dễ để phần lớn cửa hàng hiện hữu của CoopFood hay SatraFood chuyển đổi không gian để mở rộng danh mục hàng tươi và “cá lội”, do giới hạn về mặt diện tích (chỉ dưới 100m2).
CoopFood và SatraFood có thể áp dụng với các cửa hàng mới, nhưng VDSC không đánh giá cao năng lực mở rộng của hai chuỗi này.
Hai công ty mẹ của hai chuỗi là Saigon Coop và Satra Group, tuy có tiềm lực nhưng chưa cho thấy sự tập trung phát triển mô hình minimart. Do vậy, dù đã vận hành lâu năm (CoopFood - 10 năm với 230 cửa hàng, SatraFood - 7 năm với 180 cửa hàng), hai chuỗi này vẫn chưa có sự bứt phá rõ rệt.
CoopFood và SatraFood đã đẩy nhanh mở cửa hàng từ năm 2016, nhưng tổng quan về vị trí cửa hàng, thiết kế bố cục hay thái độ phục vụ đều còn hạn chế.
Theo VDSC, năng lực và kinh nghiệm của Coop và Satra cũng chưa bằng Thế giới Di Động do có kinh nghiệm quản lý và mở rộng chuỗi trên qui mô lớn hơn nhiều.
Tính đến cuối tháng 8, có 245 (trên tổng số 406) cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm tập trung tại 4 quận/huyện: Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh và quận 12 - đây là khu vực đông dân cư của thành phố (gần 30% tổng dân số). Như vậy chuỗi này mới đang chỉ tập trung tại khu vực phía Tây và vẫn chưa mở rộng tại những vùng đông dân cư còn lại.
Về mặt nhu cầu, VDSC cho rằng khu vực dân cư xung quanh một chợ loại 2 và 3 (từ dưới 200 đến 400 gian hàng) đủ cho 3 cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động mà vẫn có lượng khách tốt (trên 600 khách/ ngày).
Trong khi các chợ loại 1 (trên 400 gian hàng), là những chợ đầu mối lớn, sẽ đủ cho 4-5 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Hiện nay tại TP HCM có 17 chợ loại 1, khoảng 230 chợ loại 2/3 cùng với gần 600 chợ tự phát, như vậy thị trường này sẽ đủ cho khoảng 1.500 cửa hàng Bách Hóa Xanh loại tiêu chuẩn.
Trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt điểm hòa vốn toàn hệ thống vào cuối 2018, và sẽ phủ sóng toàn bộ TP HCM trong 2019 trước khi đẩy mạnh mở rộng ở các địa phương lân cận.
Xem xét triển vọng trung và dài hạn, VDSC đánh giá cao khả năng thành công của Bách Hóa Xanh tại khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thành khu vực miền Tây.
Đây là nơi tập trung nguồn cung cấp dồi dào, tỷ lệ đô thị hóa cao, dân cư tập trung đông và có sự cởi mở cao với kênh bán lẻ hiện đại.
VDSC ước tính đến năm 2022, Bách Hóa Xanh sẽ có 1.500 cửa hàng tại TP HCM và 3.000 cửa hàng tại các tỉnh thành khác với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,5 tỷ đồng/tháng khi ổn định.
Trong kịch bản kém tích cực, Bách Hóa Xanh chưa thể hòa vốn vào cuối năm nay. Chuỗi sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh, hoàn thành phủ sóng TP HCM vào 2020, sau đó bắt đầu mở rộng ra các tỉnh khác như Bình Dương, Biên Hòa. Đến 2022, số cửa hàng của Bách Hóa Xanh đạt khoảng 2.000.