|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận sau thuế quý III của KIDO thấp nhất trong vòng 4 năm

10:21 | 21/10/2022
Chia sẻ
Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay và khoản lỗ từ đầu tư công ty liên doanh liên kết đã ăn mòn lợi nhuận sau thuế quý III của KIDO.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) cho thấy doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ lên 3.227 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng 29% nên biên lãi gộp quý III giảm còn 17,2% so với 19,2% của cùng kỳ năm ngoái.

KIDO cho biết trong quý, công ty đã tăng cường các hoạt động bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu trên thị trường, tuy nhiên những biến động thị trường đã tác động đến chi phí của doanh nghiệp.

Trong quý, công ty ghi nhận lỗ 35 tỷ đồng từ đầu tư công ty liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ lãi 28 tỷ. Tính đến cuối tháng 9, KIDO đang rót tổng cộng hơn 3.900 tỷ đồng vào các công ty liên doanh liên kết là Calofic, Lavenue, LG Vina, Dabaco Food và Vibev.

Trừ đi các chi phí, KIDO lãi sau thuế 30 tỷ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ. Kết quả này thấp hơn cả mức trong dịch bệnh COVID-19 đồng thời thấp nhất kể từ quý III/2018.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý của doanh nghiệp. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của KIDO đạt 9.569 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 485 tỷ, lần lượt tăng 29% và tăng 1% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu năm 2022 là 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng, KIDO đã thực hiện được 68% chỉ tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận sau ba quý.

 

Tính tới cuối tháng 9, tổng tài sản của KIDO giảm 547 tỷ so với đầu năm về 13.525 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho 2.025 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.818 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và tăng 10% so với đầu năm.

Lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (hầu hết là tiền gửi ngân hàng) với giá trị 1.609 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm.

Về nguồn vốn, tổng nợ vay tài chính tại thời điểm cuối quý III là 4.015 tỷ đồng, giảm 483 tỷ so với đầu năm, đa số là các khoản vay tín chấp ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động. 

Tại ngày 30/9, KIDO ghi nhận khoản trái phiếu trong nước trị giá gần 992 tỷ đồng, trong đó đến hạn phải trả xấp xỉ 248 tỷ đồng. Trong năm 2021, KIDO đã phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng VIB. Kỳ hạn trái phiếu 5 năm, trả lãi định kỳ 6 tháng một lần. Lãi suất 8%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Lô trái phiếu được đảm bảo bằng 92,1 triệu cổ phiếu Vocarimex (Mã: VOC) và 17 triệu cổ phiếu của Dầu ăn Tường An, là các công ty thuộc Tập đoàn KIDO.

Vốn chủ sở hữu tại cuối quý III của KIDO là 7.010 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 2.797 tỷ, thặng dư vốn cổ phần là 3.107 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.565 tỷ.

Minh Hằng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.