|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quan điểm 'tiền mặt là vua' và các thương vụ M&A nghìn tỷ của KIDO Group

07:58 | 26/09/2024
Chia sẻ

Chỉ xét trong vòng 10 năm trở lại đây, KIDO đã thực hiện nhiều hoạt động M&A để mở rộng hệ sinh thái sản xuất thực phẩm tiêu dùng của mình.

Năm 2015, giới đầu tư bất ngờ khi CTCP Kinh Đô (sau này là KIDO Group) công bố bán toàn bộ mảng bánh kẹo Kinh Đô cho tập đoàn Mondelēz International của Mỹ. Đây là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam lúc bấy giờ với tổng giá trị lên đến 420 triệu USD.

Thời điểm đó, câu hỏi đặt ra là tại sao một mảng kinh doanh kiếm lời với 500 tỷ đồng mỗi năm lại khiến KIDO đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Chia sẻ tại một buổi toạ đàm năm 2016 được blog KIDO dẫn lại, Chủ tịch Trần Kim Thành ví von việc bán đi mảng bánh kẹo cũng như "cái áo mặc không vừa đến lúc phải thay đi” để hướng đến “cái áo lớn hơn” – tức những thị trường lớn hơn mà mình có đủ khả năng làm được để gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng, cho cổ đông và nhân viên của mình.

Quyết định của KIDO khiến chính ban lãnh đạo công ty cũng như nhiều người tiếc nuối nhưng “Cuối cùng vì tập thể, vì cổ đông, tôi không cản sự phát triển, phát tài của mọi người nên tôi xiêu lòng bán", ông Thành nói

Bánh kẹo do KIDO sản xuất. (Ảnh: Minh Hằng).

Ông Thành quan niệm “mảng bánh kẹo của công ty như trái cam đã chín đến lúc phải thu hoạch. Mất đi trái đó, chất dinh dưỡng sẽ được dành để phát triển các trái khác, cây khác trong vườn cây”. “Vườn cây” của ông ngoài bánh kẹo còn có kem, sữa chua, dầu ăn và mì ăn liền – đây đều là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với cơ hội tăng trưởng còn rất lớn.

Một trong những loại chất dinh dưỡng mà ông Thành nhắc đến chính là lượng tiền mặt dồi dào. Việc bán đi 80% mảng bánh kẹo trong năm 2015 đã giúp cho KIDO thu về khoản tiền mặt khổng lồ lên đến trên 7.000 tỷ đồng.

Với quan điểm “tiền mặt là vua”, lâu nay KIDO luôn duy trì lượng tiền mặt rất lớn, lên đến vài nghìn tỷ đồng. Khoản tiền này không những giúp KIDO hầu như không phải vay nợ mà còn có thể chủ động tận dụng cơ hội mua rẻ những doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như mua lại các doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa.

Một trong những cơ hội đó là thương vụ mua lại Dầu Tường An - thương hiệu dầu ăn hàng đầu có lịch sử hơn 40 năm tại Việt Nam. Năm 2016, Tập đoàn đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại 65% vốn của Dầu Tường An thông qua chào mua công khai.

Nhờ thương vụ này, KIDO không những sở hữu được hãng dầu ăn với doanh số trên 4.000 tỷ đồng/năm mà còn có được thương hiệu mạnh đã xuất hiện lâu năm trên gian bếp của người Việt. Hiện tại, KIDO đã nắm 95,56% cổ phần của hãng dầu ăn này.

Hiện tại mảng dầu ăn của KIDO đang chiếm lĩnh thị phần thứ 2 tại Việt Nam, sau Calofic (đơn vị sở hữu nhiều nhãn hàng dầu ăn Neptune, Simply, Cái Lân,...). (Ảnh: MH).

Cũng với mảng này, KIDO còn thể hiện tham vọng khi hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu từ 25% lên 51% vốn điều lệ của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - VOC) trong năm 2017 sau gần 3 năm theo đuổi. 

Thương vụ này ước tính KIDO đã bỏ ra trên nghìn tỷ đồng để nắm 51% cổ phần của Vocarimex. Tuy nhiên, đây được cho là cuộc M&A hời của KIDO bởi Vocarimex nắm giữ nhiều giá trị chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Đơn cử như Vocarimex có vốn góp tại hầu hết thương hiệu dầu ăn lớn tại Việt Nam gồm cả Cái Lân (Calofic), Dầu Tân Bình (Nakydaco), Dầu Tường An và Golden Hope Nhà Bè. Hiện tại KIDO đã nắm 87,29% vốn của Vocarimex.

Dẫn lời chuyên gia, trên blog doanh nghiệp của KIDO cho rằng việc mua lại Vocarimex đối với tập đoàn là một mũi tên trúng hai đích.

Thứ nhất, nó đưa KIDO từ con số 0 trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dầu ăn trong nước khi mà Vocarimex sở hữu cổ phần đáng kể tại hầu hết những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành như Tường An, Cái Lân, Golden Hope Nhà Bè…

Thứ hai, doanh thu mất đi khi không còn bánh kẹo sẽ được bù đắp bởi doanh thu của Vocarimex khi KIDO chính thức nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này và mục tiêu của KIDO là vị trí số một trên thị trường dầu ăn tại Việt Nam.

Thành công trong mảng dầu ăn không khiến KIDO “ngủ quên trên chiến thắng”. Trong cuộc họp thường niên mới đây, Phó Tổng Giám đốc Bùi Thanh Tùng chia sẻ KIDO cần mở rộng sang nhiều ngành hàng thiết yếu, bởi nếu ít chủng loại hàng hóa hoặc chỉ tập trung một mặt hàng cốt lõi thì "nguy hiểm ngầm" sẽ khá lớn. Việc mở rộng ngành hàng đồng nghĩa đưa thêm sản phẩm vào kệ hàng, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn.

Tháng 11/2022, KIDO chấp nhận cho Vocarimex thanh lý toàn bộ 24% cổ phần của Calofic cho đối tác ngoại và thu về số tiền hơn 2.158 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ này đã đem về cho KIDO cơ hội để thực hiện thêm nhiều chiến lược mới.

Nguồn: Báo cáo thường niên KIDO.

Tháng 4/2023, KIDO mua lại 25% cổ phần của bánh bao Thọ Phát và nửa năm sau đó đã hoàn tất nắm 68% cổ phần của hãng này. Định hướng của công ty là mở rộng thị trường cho bánh bao Thọ Phát ra cả miền Trung, miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý tại 63 tỉnh, thành; phát triển 50.000 điểm bán trên toàn quốc.

Ngoài ra, tập đoàn cũng muốn phát triển hệ thống miniBao - chuỗi cửa hàng tiện lợi, cung cấp độc quyền các sản phẩm của Thọ Phát với 12.000 cửa hàng. KIDO cho biết, Thọ Phát là mảng ghép quan trọng trong chiến lược mở rộng ngành bánh của tập đoàn.

Ngày 23/9, KIDO cho biết Nutifood đã hoàn tất các thủ tục đầu tư vào KIDO Foods để sở hữu 51% cổ phần49% cổ phần còn lại vẫn thuộc về KIDO Group. Thực tế việc KIDO thoái vốn ở mảng kem đã được hé lộ từ tháng 4/2023, khi đó, tập đoàn cho biết đã giảm tỷ lệ sở hữu tại KIDO Foods từ 73,03% xuống 49%, nhưng bên nhận chuyển nhượng chưa được công bố.

Hiện tại giá trị thương vụ không được công bố, nhưng với việc nắm giữ thị phần số một ngành kem lạnh và doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm, ước tính số tiền mà KIDO nhận về từ thương vụ không nhỏ, đóng góp thêm vào dòng tiền để tập đoàn thâm nhập sâu hơn vào các ngành khác.

Không dừng lại ở ngành thực phẩm, KIDO còn lấn sân sang kinh doanh bất động sản bằng việc mua lại công ty chủ quản trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza (quận 5, TP HCM), nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 75,39%.

Đây là trung tâm thương mại thứ 2 do ông Trần Lệ Nguyên - nhà sáng lập KIDO đầu tư sau thành công tại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP HCM). Trong năm 2023, Hùng Vương Plaza ước doanh thu khoảng 250 tỷ đồng. Trong khi đó, Vạn Hạnh Mall ước doanh thu 450 tỷ đồng và lãi trước thuế 150 tỷ đồng; tương ứng biên lợi nhuận lên đến 33,3% trên doanh thu.

Minh Hằng