Lợi nhuận Apple tại Trung Quốc nhiều hơn cả Tencent, Alibaba gộp lại
Công ty công nghệ có lợi nhuận cao nhất hoạt động ở Trung Quốc không phải là một gã khổng lồ internet của Trung Quốc như Alibaba hay Tencent, mà lại là một công ty tới từ Mỹ, Apple, theo Financial Times.
Theo một phân tích của Financial Times, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Apple phát triển nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cả hai công ty internet lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent.
Dù vậy, theo Counterpoint Research, việc Apple dựa phần lớn vào Trung Quốc để làm cơ sở sản xuất (chịu trách nhiệm về 95% sản lượng iPhone), có thể khiến “táo khuyết” chịu ảnh hưởng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngày 6/11, phía Apple cho biết các lô hàng iPhone mới nhất là iPhone 14 Series sẽ bị trì hoãn do đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây tại các khu vực có nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trung Quốc.
Sự kiện này xảy ra một tuần sau khi Apple đưa ra cảnh báo về những trở ngại "đáng kể" đối với tốc độ tăng trưởng doanh thu của hãng, có thể kể tới như tác động của USD tăng mạnh và những hạn chế về nguồn cung.
Khi bán thiết bị của mình cho người tiêu dùng Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của Apple tại thị trường tỷ dân đã bùng nổ. Lợi nhuận từ hoạt động ở Trung Quốc (gồm Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan và Trung Quốc đại lục), đã tăng 104% trong 24 tháng lên 31,2 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9, vượt qua mức 15,2 tỷ USD của Tencent và 13,5 tỷ USD của Alibaba, theo S&P Global Market Intelligence.
Mức lợi nhuận kỷ lục nhấn mạnh sự hiệu quả sau những chính sách mà Apple đã đạt được với Bắc Kinh, cho phép nhà sản xuất iPhone tránh khỏi việc bị chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định, điều mà các công ty công nghệ trong nước đã phải gánh chịu trong suốt năm qua.
Đây giống như kết quả của hoạt động ngoại giao doanh nghiệp do giám đốc điều hành Tim Cook, người thường xuyên đến Bắc Kinh trong thời gian trước đại dịch, với chính phủ của ông Tập Cận Bình, giúp Apple tránh đi vào vết xe đổ của các doanh nghiệp công nghệ phương Tây khác. Trước đó, những cái tên như Alphabet (công ty mẹ Google), Meta (công ty mẹ Facebook) hay Netflix đều đã bị cấm tại thị trường tỷ dân.
Các nhà phân tích cho rằng việc Apple phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc đã khiến hãng này quá dễ dàng trong việc chấp nhận các yêu cầu. Thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc đã giúp Apple đảm bảo duy trì khả năng tiếp cận nguồn lao động và các nhà máy một cách có hiệu quả, đồng thời trở thành thương hiệu cao cấp hàng đầu tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Lấp đầy khoảng trống của Huawei
Năm 2019, Huawei đã vượt Apple về doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu, đứng thứ hai sau Samsung. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Huawei dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc, nơi Huawei và thương hiệu con Honor đã đạt thị phần tổng hợp 42% vào tháng 3/2020, theo Counterpoint.
Huawei sớm dẫn đầu với điện thoại thông minh hỗ trợ 5G vào tháng 8/2019 và đã tăng doanh số bán thiết bị thế hệ tiếp theo tại Trung Quốc lên hơn 7 triệu chiếc mỗi tháng vào tháng 6/2020, theo M Science, một nhóm phân tích.
Thiết bị cầm tay được tích hợp công nghệ 5G đầu tiên của Apple, dòng iPhone 12, chỉ được tung ra thị trường vào tháng 10/2020. Vào thời điểm đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Huawei, cáo buộc công ty là một mối đe dọa an ninh.
Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản quyền truy cập vào công nghệ quan trọng, bao gồm cả chipset 5G. Sau sự kiện này, Huawei đã trải qua thời kỳ sóng gió. Thị phần của Huawei tại Trung Quốc đã sụt giảm vào nửa cuối năm 2020 và hãng buộc phải loại bỏ Honor để cứu công ty khỏi các lệnh trừng phạt khác. Vào năm 2021, doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei giảm một nửa xuống còn 38,3 tỷ USD, theo S&P GMI.
Theo Counterpoint, khi thị phần của Huawei tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh từ mức hơn 29% vào giữa năm 2020 xuống chỉ còn 7% trong hai năm sau đó. Ngược lại, thị phần của Apple đã tăng từ 9% lên 17%. Hầu như tất cả doanh số của Apple đều thuộc phân khúc cao cấp, nơi mà sự thống trị của “táo khuyết” đã tăng từ 51% lên 72% trong ba năm.
“Ngày nay, Apple nắm giữ phần lớn thị phần đối với các dòng smartphone có giá từ 600 USD trở lên. Nếu bạn định mua một chiếc điện thoại thông minh trị giá 1.000 USD, ngoài iPhone, rất khó có lựa chọn phù hợp”, Archie Zhang, một nhà phân tích của Counterpoint cho biết.
Chiến lược “Trung Quốc” của Apple
Apple đã làm việc chăm chỉ để đáp ứng thị hiếu của khách hàng Trung Quốc. Khi các đối thủ cạnh tranh trong nước tung ra điện thoại thông minh với màn hình lớn hơn, camera với độ phân giải cao hơn cùng khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng và khe cắm SIM kép, chính các nhân viên Trung Quốc của Apple đã thúc đẩy công ty có trụ sở tại Cupertino làm theo. Tim Cook đã ghi nhận phản hồi từ khách hàng Trung Quốc.
Trong nhiều năm, nỗ lực của Apple để đứng về phía chính quyền Bắc Kinh đã được đền đáp, chẳng hạn như cam kết đầu tư lớn và giữ im lặng đối với các chủ đề nhạy cảm. “Táo khuyết” đã đồng ý chuyển lưu trữ dữ liệu người dùng Trung Quốc đến một trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu và công ty cũng đã xóa hàng nghìn ứng dụng khỏi App Store trên lãnh thổ Trung Quốc theo yêu cầu của các nhà kiểm duyệt Bắc Kinh.
Hàng chục trang tin đã bị xóa khỏi kho ứng dụng của Apple tại Trung Quốc, trong khi các nền tảng nhắn tin mã hóa như WhatsApp, Signal và Telegram cũng bị cấm. Apple lập luận rằng họ phải tôn trọng luật pháp của các quốc gia nơi công ty đang hoạt động
Nathan Freitas, giám đốc tại Guardian Project, một nhà phát triển về quyền riêng tư trên thiết bị di động, cho biết: “Apple có tầm nhìn về một hệ sinh thái được kiểm soát chặt chẽ và phục vụ nghiệm khách hàng dựa trên quy định của chính phủ Trung Quốc”.