Loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tháng 2 gửi tiền ở đâu lãi cao nhất
Lãi suất huy động trên 12 tháng phổ biến 6,5-7,3%/năm | |
NHNN: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm |
Một số ngân hàng giảm lãi suất huy động ngắn hạn
Ngay đầu năm 2018, Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm cá nhân mới. Trong đó, các kỳ hạn 4 và 5 tháng giảm 0,2% so với mức lãi năm ngoái. Kỳ hạn 11 đến 15 tháng tăng nhẹ 0,05-1%; kỳ hạn 17 đến 19 tháng tăng 0,1-0,2%; đáng chú ý kỳ hạn 24 tháng tăng đến 0,4% lên 7,8%/năm - đây cũng là mức lãi suất cao nhất của BaoViet Bank hiện tại.
Tương tự, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) công bố lãi suất tháng 1 với việc giảm 0,1-0,3% các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng; tăng 0,1-0,2% cho kỳ hạn 6 đến 11 tháng.
Lãi suất mới của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng cho thấy thay đổi ở một số kỳ hạn từ 1 đến 3 tuần giảm 0,01%. Trong khi đó, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều tăng 0,1%. Hiện mức lãi cao nhất của DongA Bank là 7,6%/năm cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đưa biểu lãi mới vào giữa tháng 1, trong đó ngoại trừ kỳ hạn 15 tháng giữ nguyên, còn lại đều giảm 0,1%. Biểu lãi công bố cuối tháng 1 của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho thấy kỳ hạn 1 tháng giảm 1%; trong khi kỳ hạn 2 và 3 tháng tăng 0,1%.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất ngắn hạn
Biểu lãi tiền gửi đầu năm 2018 của Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) tăng thêm 0,1% cho tiền gửi từ 6 tháng trở lên.
Biểu lãi ngày 2/1 của Ngân hàng Bản Việt (Vi et Capital Bank)cho thấy mức tăng đáng kể ở một số kỳ hạn như 7 và 12 tháng thêm 0,6%; 15 và 18 tháng tăng thêm lần lượt 0,4% và 0,3%. Hiện tiền gửi 18 tháng của Bản Việt có mức lãi suất cao nhất với 8,5%/năm.
Ngày 23/1, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) tăng lãi suất 12 và 13 tháng thêm lần lượt 0,3% và 0,7%. Đưa mức lãi suất cao nhất của Nam A Bank hiện ở 8,3% đối với tiền gửi 13 tháng. VietABank tăng từ 0,2-0,3% các kỳ hạn 6, 9 và 13 tháng.
Cuối tháng 1, Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) ghi nhận tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn tiền gửi từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, kỳ hạn dài từ 13 tháng giảm 0,2%.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng thay đổi lãi suất vào cuối tháng qua. So với biểu lãi vào tháng 5/2017, ACB tăng ở hầu hết kỳ hạn ngắn từ 0,1-0,2%. Đáng chú ý, lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tăng thêm tới 0,4%. Trong khi đó, kỳ hạn trên 12 tháng được giữ nguyên.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) mới đây cũng đã mạnh tay tăng mức lãi suất lên tới 1,1% cho hai kỳ hạn 10 và 11 tháng. Một số kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng đến 0,7-0,8%.
Ngay trưa nay (7/2), Ngân hàng Phương Đông (OceanBank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới, tăng 0,2-0,5% đối với tiền gửi 1 đến 11 tháng. Ngược lại kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%.
Theo báo cáo thông tin hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 22 đến 26/1/2018, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 -5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc NHNN định hướng năm 2018 ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất.