Loạt mô hình kinh doanh kiểu Mumuso: Thương hiệu Nhật, Hàn, giá cả khỏi bàn
Bộ Công thương kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng giống Mumuso trên toàn quốc |
Công thức chung cho chuỗi cửa hàng bán sản phẩm tiêu dùng thời trang
Trên một tuyến phố dọc theo đường Thái Hà, cửa hàng Mumuso phong cách Hàn Quốc đèn điện sáng choang. Cách đó chưa đầy một cây số, không khó để nhận ra Miniso biển hiệu màu đỏ với những dòng chữ Nhật Bản. Thẳng qua một cái ngã tư đèn đỏ, cửa hàng Ilahui nổi bật với gam màu xanh lá dễ thương
Có thể thấy, các cửa hàng bán đồ tiêu dùng thời trang phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc mọc lên như nấm sau mưa những năm gần đây.
Cửa hàng Mumuso Việt Nam. |
Tại Việt Nam, Mumuso có 27 cửa hàng. Miniso có 25 cửa hàng. Ilahui với 19 cửa hàng. Daiso ít hơn, với khoảng 6 địa điểm…. Tất cả đều là những cửa hàng quảng cáo phong cách Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc. Và những nhãn hiệu này vẫn đang mang tham vọng bành trướng và tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Hầu hết các thương hiệu đều đặt mục tiêu nâng lên mức 200 - 400 cửa hàng trong vòng 3-5 năm tới.
Không chỉ bán thứ mà khách hàng cần theo khái niệm tiêu dùng truyền thống, bán hàng tiêu dùng theo phong cách thời trang còn giúp khơi gợi nhu cầu của khách hàng nhiều hơn. Các sản phẩm mẫu mã đẹp mắt, được quảng bá và đánh bóng với phong cách Nhật – Hàn đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng: chuộng đồ ngoại, giá cả phải chăng.
Ông Neil Macgregor, Giám đốc Savills Việt Nam khẳng định bán hàng tiêu dùng thời trang là một xu hướng phổ biến đối với các sản phẩm tiêu dùng giá rẻ. Đặc biệt với tâm lý ưa thích các thương hiệu quốc tế của người Việt, hệ thống các cửa hàng này sẽ ngày càng phát triển.
Với Mumuso, Miniso hay Lihahui,… hầu hết sản phẩm được sản xuất với chi phí rẻ tại Trung Quốc và đăng ký thương hiệu tại xứ sở khác là Hàn Quốc và Nhật Bản. Những mẫu mã mới lạ cập nhật theo xu hướng thời trang, giá cả chỉ từ 10.000 đến hơn 200.000 đồng. Đây chính là công thức chung mà các chuỗi cửa hàng này sử dụng để thu hút người tiêu dùng Việt.
Trên thực tế, việc một doanh nghiệp đăng ký thương hiệu ở một quốc gia, sản xuất ở một quốc gia khác sau đó bán tại thị trường thứ ba là một điều hết sức bình thường. Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, do vậy nhiều công ty lựa chọn đất nước này để gia công hay sản xuất sản phẩm. Vấn đề là sản phẩm tới tay người tiêu dùng đã được cung cấp thông tin một cách trung thực, minh bạch và chính xác?
Nhập nhằng giữa hai khái niệm "xuất xứ Hàn Quốc" và "phong cách Hàn Quốc"?
Công ty TNHH Mumusokr đã đăng ký bảo hiệu nhãn hiệu Mumusokr do Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cấp phép, nhưng không có bất kỳ hoạt động sản xuất nào tại đây.
Doanh nghiệp ủy quyền cho Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu Mumusokr trên toàn cầu… Mumuso trụ sở chính được đặt ở Trung Quốc, hơn 99% sản phẩm cũng đến từ Trung Quốc.
Trước thông tin này, người tiêu dùng tỏ ra bối rối khi lâu nay vẫn mặc định sản phẩm của Mumuso có xuất xứ từ Hàn Quốc. Nhập nhằng giữa hai khái niệm "xuất xứ Hàn Quốc" và "phong cách Hàn Quốc", người tiêu dùng đã nhận được một "cú lừa" ngoạn mục.
Thông tin cung cấp trên bao bì một số sản phẩm được in bằng dòng chữ Hàn Quốc hoàn toàn là những câu vô nghĩa. Với khách hàng không tinh ý, họ thậm chí có thể không nhận ra dòng chữ “made in China” hiện lên một cách hết sức khiêm tốn trên bao bì.
Sản phẩm của Mumoso có ký tự Hàn Quốc, so sánh với thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc. Ảnh: Trang tin SBS. |
Sản phẩm của Mumuso. Ảnh: Tuệ An |
Vụ việc của Mumuso mới đây, theo kết luận của Bộ Công thương, công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty không thể cung cấp các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.
Doanh nghiệp này cũng vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm, thương mại điện tử. Quá trình kiểm tra cho thấy công ty không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, công ty có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh)...
Hiện tại, Bộ công thương đã có chỉ đạo về việc rà soát, kiểm tra những mô hình kinh doanh tương tự như Mumuso trên khắp địa bàn cả nước.
Nhưng trước hết để tự bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cũng rút ra cho mình bài học về việc đặt niềm tin trước những lời quảng cáo "có cánh" của vô vàn nhãn hiệu hay cửa hàng hiện nay.