|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Báo Nhật “bóc mẽ” chuỗi cửa hàng “đội lốt Nhật” bán hàng Tàu ở Việt Nam

15:47 | 18/10/2016
Chia sẻ
mới đây, tờ Nikkei của Nhật Bản đã lên tiếng khẳng định, Miniso là công ty "đội lốt Nhật" bán hàng Tàu ở Việt Nam.

Trong bài báo xuất bản ngày 17.10, tờ Nikkei Nhật Bản đã phản ánh về hiện tượng sản phẩm "made in China" bán chạy như tôm tươi bởi nhiều người dùng lầm tưởng đây là thương hiệu danh tiếng của Nhật Bản.

Theo Nikkei, giữa tháng 9 vừa qua, 3 cửa hàng tiện ích có tên Miniso được mở tại Hà Nội. Điều đáng nói là nhìn thoáng qua, tấm biển của cửa hàng này khá quen thuộc với nhiều khách hàng trên khắp thế giới: 2 hình vuông màu đỏ bao trong những ký tự bằng tiếng Nhật và chữ cái tiếng Latin màu trắng.

Về hình thức những cửa hàng này có rất nhiều nét giống với chuỗi cửa hàng quần áo nổi tiếng Nhật Bản là Uniqlo, tuy nhiên bên trong lại có nét giống với chuỗi cửa hàng bán lẻ Muji. Khi vào trong các cửa hàng, mọi sản phẩm đều sử dụng logo tương tự và nhãn mác hoàn toàn là tiếng Nhật. Tuy nhiên, chúng là các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo thông tin ghi phía sau sản phẩm, chuỗi cửa hàng có tên gọi Miniso này được điều hành bởi một công ty cùng tên đặt trụ sở tại Ginza, Tokyo. Công ty này đang điều hành 80 cửa hàng, chủ yếu tại Trung Quốc. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam hãng này mở cửa hàng.

Khi được hỏi liệu Miniso có phải là công ty Trung Quốc không – một nhân viên 28 tuổi ở một cửa hàng của hãng đặt tại Việt Nam nói rằng các sản phẩm đều là của công ty Nhật Bản nhưng được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu nói Miniso là công ty Trung Quốc, thì iPhone cũng là sản phẩm Trung Quốc.

Các dòng sản phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và đồ dùng văn phòng được đóng gói giống hệt với Muji và Uniqlo. Đáng nói là mức giá các sản phẩm bán trong Miniso không hề rẻ so với mức sống trung bình của người Việt Nam. Một chai dưỡng ẩm có giá 5,82 USD (tương đương 130.000 VNĐ).

Cũng theo từ Nikkei, không chỉ có hàng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gặp trường hợp tương tự. Trong đầu tháng 9, một loạt chuỗi cửa hàng được mở ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với thương hiệu na ná các sản phẩm Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn là hàng Trung Quốc nhưng có thương hiệu giống Hàn Quốc để tranh thủ tâm lý ưa chuộng của người Việt Nam.

Tờ Nikkei đánh giá, đây rõ ràng là một chiến lược marketing khôn ngoan. Rất nhiều người dân Việt Nam ưa thích hàng Nhật. Dẫu vậy, nó tồn tại một vài vấn đề đáng quan ngại.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận: “Tôi không phản đối việc doanh nghiệp này bán hàng Trung Quốc nếu đó là hàng có chất lượng. Không nên tẩy chay hàng Trung Quốc một cách “mù quáng” bởi việc bày bán các sản phẩm đạt tiêu chuẩn một cách công khai là cạnh tranh bình đẳng, giúp hàng Việt tìm cách vươn lên để tồn tại. Hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, vi phạm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường”.

“Vấn đề ở đây là không được quảng cáo nhập nhèm, lực lượng quản lý thị trường khi phát hiện sai phạm cần phải xử lý ngay. Cửa hàng Miniso được quảng cáo là bá cả hàng Nhật và hàng Trung Quốc. Hàng hóa trên quầy cũng được ghi rõ ràng là “made in China” nên đây không phải là vấn đề thắc mắc” – ông Phú cho hay.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng, điều quan trọng là cần đảm bảo khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào ngay từ biên giới. Nếu chỉ kiểm tra sau khi hàng hóa đã đi vào chuỗi bán lẻ thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Theo K.Linh

Lao động