|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao?

17:43 | 31/05/2019
Chia sẻ
Trong khi quỹ đất nội đô Hà Nội ngày một khan hiếm, không ít chủ đầu tư phải “bẻ lái” ra ngoại thành, tỉnh lẻ hoặc Nam tiến thì vẫn còn không ít những lô đất ở vị trí đắc địa có giá cả tỉ đồng mỗi m2 đang để hoang hóa nhiều năm, không được đưa vào khai thác và kinh doanh, gây lãng phí.

Hồi tháng 8/2018, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã chỉ ra nhiều chủ đầu tư (CĐT) dự án liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai, vi phạm Luật đất đai. Trong đó có nhắc đến một số dự án đất 'vàng' đình đám một thời như Dự án Nam Đàn Plaza, Dự án D'San Raffles tại số 22 – 24 Hàng Bài,…

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến nay, những dự án này vẫn đang "án binh bất động", có nơi biến thành bãi đỗ xe và gara ô tô.

Điển hình phải kể đến Dự án D'San Raffles tại số 22 – 24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) trước đây do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 1.

Theo quảng cáo, dự án với hai mặt tiền là Hàng Bài và Hai Bà Trưng là tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang đẳng cấp. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. (Ảnh: Thu Hà)

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 2.

Cỏ mọc um tùm bên trong dự án. Được biết, diện tích lô đất khoảng 4.000 m2. (Ảnh: Thu Hà)

Theo tìm hiểu, tháng 11/2004, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi 4.072,9 m2 đất tại số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng để xây dựng khu trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư. Trong diện tích trên, có hơn 3.600m2 của Xí nghiệp nhựa Hà Nội đã được di dời và hơn 300 m2 đất ở liên quan tới 17 hộ dân. Việc thu hồi đất cho dự án này cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi một số người dân cho rằng giá cả đền bù chưa hợp lý.

Được biết, lô đất này do Công ty CP Thời đại mới T&T (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) làm chủ sở hữu. Lĩnh vực hoạt động của công ty này là kinh doanh BĐS, kinh doanh khách sạn, kinh doanh văn phòng và nhà ở. Công ty này được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng, mục đích là doanh nghiệp phát triển dự án D'. San Raffles. 

Tiếp đó, đến tận tháng 4/2014, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội mới cấp Giấy phép quy hoạch cho dự án D'. San Raffles Hàng Bài – Hai Bà Trưng. Cụ thể, ngày 31/3/2014, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của dự án này.

Tuy nhiên đến năm 2016, thông tin từ phiên chất vấn của HĐND TP Hà nội cho biết, chủ đầu tư xin xây công trình 12 tầng, nhưng thành phố kiên quyết không chấp thuận. Sau đó, chủ đầu tư đã có văn bản đồng ý xây dựng theo phương án cũ đã được phê duyệt là 8 tầng. Đồng thời, dự án này sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải chung cư.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 3.

Tân Hoàng Minh được cho là đã không còn sở hữu mảnh đất kim cương số 22-24 Hàng Bài (Ảnh: Thu Hà)

Vào năm 2018 xuất hiện một số thông tin cho rằng khu đất trên đã không còn thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh. Cụ thể, theo nội dung thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp của CTCP Thời đại mới T&T, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng toàn bộ 90,25% cổ phần của mình tại công ty này vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, thông tin về bên mua lại cổ phần của Tân Hoàng Minh không được tiết lộ.

Nằm cách lô đất 22-24 Hàng Bài không xa là lô đất Dự án trụ sở một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội tại số 31-33-35 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ xây dựng trụ sở làm việc mới tại mảnh đất số 31-33-35 Lý Thường Kiệt vào cuối năm 2016.

Báo chí phản ánh, chi phí để ngân hàng này có được lô đất trên cũng được cho là lên đến 1 tỉ đồng/m2.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 4.

Mặt tiền lô số 31-33-35 Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Thu Hà)

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 5.

Lô đất rộng khoảng 2.200 m2 có tới 3 mặt tiền trên phố Vọng Đức, Hàng Bài và Lý Thường Kiệt.

Lý giải vì sao dự án vẫn chưa được triển khai, tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2017, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, sở dĩ ngân hàng chưa xây trụ sở được là do yếu tố khách quan do trung tâm thành phố khống chế chiều cao nên phải chờ đợi. Ngân hàng đang gấp rút thúc đẩy quá trình phê duyệt dự án lên 13-15 tầng để có thể tiến hành sớm. Nếu vượt thẩm quyền của TP thì phải xin ý kiến của Thủ tướng.

Mới đây, tháng 1/2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất điều chỉnh quy hoạch 2 khu đất vàng trên tuyến phố Lý Thường Kiệt để triển khai 2 dự án trụ sở văn phòng cao tầng, trong đó có dự án trụ sở của ngân hàng trên.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Thủ tướng đầu năm, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch 2 dự án theo hướng tăng chiều cao so với quy định. Tại khu đất số 31-33-35 Lý Thường Kiệt dự kiến xây trụ sở ngân hàng, Hà Nội đề xuất cho xây cao 45m, quy mô 14 tầng + 1 tum.

Theo quan sát của PV, khu đất này hiện vẫn đang được quây tôn kín mít, phía bên trong không có dấu hiệu gì cho thấy dự án đang được xây dựng. Hiện khu đất được sử dụng làm bãi đỗ xe ô tô.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 6.

Khu đất làm dự án trụ sở văn phòng của ngân hàng này hiện vẫn đang được quây tôn kín mít, phía bên trong được sử dụng làm bãi đỗ xe ô tô. (Ảnh: Thu Hà)

Một dự án có không ít tai tiếng khiến nhiều đại gia vướng vào vòng lao lý phải kể đến Dự án Nam Đàn Plaza. Dự án do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPL) và CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Transco,. JSC) hợp tác đầu tư xây dựng từ năm 2008 và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Dự án có vị trí đắc địa, nằm trên lô E2.1, rộng gần 10.000 m2, ngay mặt đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam. 

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 7.

Dự án Nam Đàn Plaza do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPL) và CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Transco,. JSC) hợp tác đầu tư. (Ảnh: Thu Hà)

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 8.

Dự án có vị trí đắc địa, nằm trên lô E2.1, rộng gần 10.000 m2, ngay mặt đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam. (Ảnh: Thu Hà)

Tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội hồi tháng 8/2018, UBND quận Nam Từ Liêm đã có báo cáo về dự án này. Theo đó, dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án, hiện trạng sử dụng sai mục đích, đề nghị TP Hà Nội thu hồi.

Tuy nhiên, hiện nay, theo ghi nhận của PV, dự án này hiện vẫn quây tôn kín mít, bên trong là một số công trình tạm và gara ô tô. Lượng xe ô tô ra vào bên trong dự án khá tấp nập.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 9.

Trước đây, dự án được quảng bá là tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng... có tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, dự án vẫn là bỏ không với những công trình tạm và gara ô tô. (Ảnh: Thu Hà)

Theo tìm hiểu, tháng 10/2002, UBND thành phố có Quyết định về việc thu hồi 9.584 m2 đất tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (nay là phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương thuê để xây dựng Trung tâm Tang lễ văn minh.

Ngày 13/1/2006, UBND thành phố chính thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.

Đến ngày 9/11/2006, UBND thành phố có văn bản cho phép Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương chuyển đổi mục đích sử dụng 9.584 m2 đất trên từ mục đích xây dựng Trung tâm Tang lễ văn minh sang xây dựng khách sạn 5 sao.Qua khảo sát tại dự án Nam Đàn Plaza, hiện trạng khu vực dự án để đất trống, có tường bao quanh và một số công trình tạm bên trong.

Cũng nằm trong danh sách những dự án đình đám một thời, Dự án Tháp Tài chính Quôc tế (IFT) đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế do Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt (Công ty liên doanh giữa 2 chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt và SCIC) làm chủ đầu tư. Lô đất dự án tọa lạc ở vị trí đắc địa, ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 10.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) do Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt (Công ty liên doanh giữa 2 chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt và SCIC) làm chủ đầu tư. (ảnh: Thu Hà)

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 11.

Lô đất dự án tọa lạc ở vị trí đắc địa, ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh. (Ảnh: Thu Hà)

Từng được kỳ vọng là trung tâm văn phòng hạng sang, mang tiện ích đẳng cấp quốc tế, nhưng đã nhiều năm trôi qua, dự án này vẫn chỉ đang nằm trên giấy.

Theo tìm hiểu, ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159 m2 đất tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Loạt dự án ôm ‘đất vàng’ tiền tỉ mỗi m2 bỏ không nhiều năm tại Thủ đô giờ ra sao? - Ảnh 12.

Cổng vào dự án nằm ngay mặt đường Trần Duy Hưng (Ảnh: Thu Hà)

Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ. Theo đó, địa điểm xây dựng dự án nằm ở số 220 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Diện tích lô đất nghiên cứu quy hoạch 13.159 m2, với một công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150 m.

Tiếp đó, ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình "Tháp Tài chính Quốc tế" tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng.

Thời điểm đó, không ít người đã kỳ vọng nếu được khởi công xây dựng đúng tiến độ khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ mặt, diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực này bởi nó được đánh giá là tòa nhà xanh, thông minh của Hà Nội lúc bấy giờ với khu văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại hiện đại…

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến nay đã hơn nửa thập kỷ, dự án vẫn đang quây tôn và im ắng, không có động thái nào cho thấy dự án đang được triển khai xây dựng.

Thu Hà