|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

22 dự án trụ sở doanh nghiệp tại Khu đô thị mới Cầu Giấy: Thành phố ra 'tối hậu thư' đến 30/8

15:13 | 23/08/2018
Chia sẻ
Hàng trăm ngàn mét vuông “đất vàng” được phê duyệt xây dựng trụ sở 22 tập đoàn, tổng công ty đã “giậm chân tại chỗ” nhiều năm nay, gây lãng phí tài nguyên đất, ngân sách nhà nước và làm xấu bộ mặt đô thị khu vực này. Mới đây, chính quyền Hà Nội đã ra “tối hậu thư” với các dự án chậm tiến độ nói trên.

Còn năng lực để đầu tư?

Trong thời gian qua, Báo Đầu tư Bất động sản đã có loạt bài phản ánh về 22 trong số 23 dự án trụ sở các tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt triển khai chậm tiến độ ở Khu đô thị mới Cầu Giấy Hà Nội. Hầu hết trong số các dự án này đều đã quá thời hạn thu hồi theo quy định, nhưng các chủ đầu tư vẫn dùng nhiều cách để “giữ đất”. Các hoạt động cho thuê, kinh doanh diễn ra tự phát tại nhiều lô đất gây mất trật tự, mỹ quan trong khu vực.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Chẳng hạn, giai đoạn từ 2012 - 2017 có nhiều chính sách thay đổi, trong đó có chính sách về giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư không quyết liệt trong phối hợp tháo gỡ ách tắc trong giải phóng mặt bằng; giai đoạn 2012 - 2015 thị trường bất động sản trầm lắng, các chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư, giải ngân.

Ông Đông cũng thừa nhận, có nguyên nhân chủ quan đến từ các cấp, các ngành trong việc hậu kiểm, việc phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quyết liệt. Đặc biệt, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu nên có kéo dài thời gian.

22 du an tru so doanh nghiep tai khu do thi moi cau giay thanh pho ra toi hau thu den 308

Hàng loạt showroom ô tô kinh doanh tại lô E4, E5.

Tại cuộc giải trình về việc xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội do Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức đầu tuần qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, vấn đề các dự án sử dụng đất chậm triển khai được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm và gây bức xúc trong dư luận. Ông Chung cũng chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên khiến cho các dự án sử dụng đất chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu. Các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhiều nhà đầu tư “hụt hơi” về tài chính.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, các dự án chậm triển khai còn do công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, nhà đầu tư muốn thay đổi mục đích sử dụng nên “lần chần” chưa chịu triển khai. Công tác phối hợp hậu kiểm giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường với các quận, huyện còn thiếu chặt chẽ.

Đơn cử, dự án trụ sở các doanh nghiệp tại Khu đô thị mới Cầu Giấy như: Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), lô 1 - E9; Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) lô 2 - E9; Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, lô 4 - E7; Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), lô 5 - E7; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, lô 6 - E7; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), lô 9 - E6; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, lô 10 - E6; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), lô 11 - E6; Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex), lô 19 - E4… đều chậm triển khai cả chục năm nay.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận, trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai, đất đai để bỏ hoang gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây lãng phí lớn nguồn lực của Thủ đô.

Điều đáng nói, theo nhận định của giới chuyên gia, bên cạnh việc chủ đầu tư năng lực tài chính có vấn đề, chậm tiến độ, thì cũng cần phải xem xét lại việc phối hợp kiểm tra, giám sát dự án của các cơ quan quản lý việc cấp phép triển khai và chính quyền địa bàn các dự án tọa lạc. Việc rất nhiều hoạt động kinh doanh có phép hoặc không phép mọc lên trên địa chỉ các lô đất, chính quyền phường, quận không thể nói không biết hoặc không thể quản lý, cưỡng chế các vi phạm...

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản mới đây, đại diện UBND phường Yên Hòa cho rằng, đối với các lô đất E3, E4, E5 Khu đô thị mới Cầu Giấy, mặc dù UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu cưỡng chế vi phạm xây dựng từ năm 2017 đối với các đơn vị trên, nhưng đến nay chỉ lác đác có vài công trình tự tháo dỡ. Lý do, theo vị đại diện này, là bởi còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc thuê đất, thậm chí đơn vị bị cưỡng chế còn gửi đơn kêu cứu đến UBND Thành phố, khiến quá trình cưỡng chế, giải tỏa bị chậm trễ.

Hạn cuối cho 22 dự án chậm tiến độ

Được biết, thời gian qua, chính quyền TP. Hà Nội đã có những động thái nhằm xử lý tình trạng dự án chậm tiến độ tại Khu đô thị mới Cầu Giấy. Chẳng hạn, ngày 4/8/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo tại Thông báo số 895/TB-UBND, về việc rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Kể từ đó đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã làm việc với hầu hết các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở và ban hành nhiều văn bản đốc thúc các đơn vị này có báo cáo về việc triển khai dự án. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến thời hạn cuối theo yêu cầu, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

Tại cuộc giải trình do Hội đồng Nhân dân Thành phố tổ chức ngày 13/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tài nguyên đất đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hà Nội. Năm 2017, Thành phố thu hơn 33.708 tỷ đồng tiền sử dụng đất, hơn 4.847 tỷ đồng tiền thuê đất. Các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đã góp phần phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nhà ở, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp ngân sách hằng năm cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của Thành phố. Những năm gần đây, việc kiểm soát sử dụng đất trên lĩnh vực này đã được thành phố triển khai chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thực trạng chậm triển khai tại một số dự án cần phải được xử lý rốt ráo hơn. Để làm được việc đó, theo ông Chung, trước tiên, UBND TP. Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra Thành phố để kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, Thành phố đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án để quản lý chặt chẽ hơn, nắm được diễn biến phát triển của dự án cũng như hoạt động của nhà đầu tư sau khi được cấp phép. Bởi thực tế, hiện nay, khâu hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư còn hạn chế. UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy chế liên quan đến thẩm định, quản lý hồ sơ của các nhà đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm có thông tin triển khai dự án, không để dây dưa, kéo dài.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với 22 dự án giao cho các nhà đầu tư văn phòng, nhà ở tại Khu đô thị Cầu Giấy đang bị chậm tiến độ, Thành phố đã 8 lần mời nhà đầu tư đối thoại để có giải pháp xử lý hợp lý. Thành phố gia thời hạn đến ngày 30/8/2018 này, khi nhà đầu tư trả lời không còn vốn triển khai thì dứt khoát sẽ thu hồi. Đồng thời, thời gian tới sẽ khẩn trương hoàn thành phần mềm để quản lý tất cả các dự án mà hiện nay giữa các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Hà Nội và UBND các quận, huyện để quản lý chặt chẽ đối với các dự án trên địa bàn, đồng thời nắm chắc diễn biến trong quá trình đầu tư đối với các dự án.

Theo Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn có 383 dự án chậm tiến độ với các lý do chủ yếu như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính… Trong một số trường hợp, việc chậm tiến độ có nguyên nhân là do cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc tham mưu lãnh đạo Thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Xem thêm

Nhất Nam