Trên 3.000 dự án chậm triển khai 'chứa' hàng chục ngàn hecta đất
Khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ năm 2013-2018 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha; trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha.
TP.HCM trong giai đoạn từ 2011-2017 đã giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.663,6ha. Từ năm 2012-2017 đã rà soát phát hiện và xử lý đối với 808 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 6.115ha.
Kết quả xử lý đã hủy bỏ quyết định thu hồi đất và giao, cho thuê đất đối với 108 dự án với diện tích 1.552ha; điều chỉnh cắt giảm diện tích đối với 13 dự án với diện tích 78ha; hủy bỏ việc chấp thuận địa điểm đầu tư đối với 469 dự án với diện tích 4.362ha.
Ngoài ra, trong năm 2017 và 2018, TP đã rà soát phát hiện 218 dự án khác chậm triển khai với diện tích 182,8ha.
Ở TP Đà Nẵng, sau 3 năm thi hành Luật Đất đai, TP đã thu hồi, bồi thường hơn 725ha, giao và cho thuê đất trên 2.122ha. Riêng trong năm 2017 đã thu hồi đất của 19 dự án với tổng diện tích 161,6ha, chuyển mục đích sử dụng đất 8 dự án với tổng diện tích 7,53ha.
Đến nay TP đã kiểm tra, rà soát, phát hiện 47 dự án chậm triển khai, kết quả xử lý theo hướng quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất cho 18 dự án và đang làm thủ tục gia hạn cho 8 dự án khác.
Có 4 dự án thuộc bán đảo Sơn Trà đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ để xử lý và 11 dự án chậm tiến độ đang được địa phương kiểm tra xử lý theo quy định.
TP Hải Phòng từ năm 2016 đến nay đã phát hiện 247 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 2.219ha; đã thực hiện thu hồi 16 dự án với diện tích 253,4ha; đang làm thủ tục thu hồi 21 dự án với diện tích 138,8ha; đang xem xét gia hạn tiến độ sử dụng đất cho 4 địa điểm với diện tích 3,3ha; đã có văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư đối với 38 dự án với diện tích 552,1ha và đang xem xét việc dừng triển khai với 11 dự án khác với 148,7 ha.
Đất quốc phòng nhiều nơi bị lấn chiếm
Cũng trong báo cáo, Chính phủ cung cấp số liệu kiểm kê đất quốc phòng năm 2016 cho thấy hiện nay toàn quân đang quản lý 12.212 điểm đất quốc phòng với tổng diện tích 251.690,5 ha. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như tiếp quản từ chế độ cũ, được Nhà nước giao và được phân bổ trên địa bàn cả nước, tập trung nhiều ở địa bàn chiến lược quan trọng.
Về cơ bản, các điểm đất quốc phòng đã có quyết định đóng quân, quy hoạch phân khu chức năng sử dụng đất, quy hoạch tổng mặt bằng, tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng doanh trại chính quy.
Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng đã góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển các cơ sở quân sự và công trình quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quỹ đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay đã được một số đơn vị tận dụng đưa vào sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng góp phần phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng đất quốc phòng còn có những hạn chế nhất định như: để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất chưa đúng mục đích, phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý đất quốc phòng còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ.