|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lãnh đạo TP HCM thúc tiến độ nhiều dự án FDI tỉ USD chậm triển khai

07:04 | 20/05/2019
Chia sẻ
Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài được đề xuất nhiều năm trước nhưng hiện tại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi động khiến lãnh đạo TP HCM phải điểm tên và đốc thúc tiến độ.

Trong hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ không hài lòng về tiến độ triển khai chậm chạp của một số dự án bất động sản lớn, và yêu cầu các sở ngành quyết liệt đeo bám để thúc đẩy tiến độ. Những dự án bị ông Phong điểm tên gồm khu phức hợp Thủ Thiêm của Lotte, khu đô thị Saigon Sports City của Keppel Land, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và dự án trung tâm triển lãm - hội nghị của thành phố.

Lãnh đạo TP HCM thúc tiến độ nhiều dự án FDI tỉ USD chậm triển khai - Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị Bình Quới Thanh Đa vẫn treo hơn 20 năm qua. Ảnh: Zing

Cụ thể, người đứng đầu UBND thành phố yêu cầu các sở ngành làm rõ dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại ở Thủ Thiêm có vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng (tương đương 900 triệu USD) của tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) còn vướng mắc ở đâu.

Đây là khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm do bốn công ty trong liên danh Lotte gồm Lotte Asset Development Co.Ltd., Lotte Shopping Co.Ltd., Hotel Lotte Co.Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co.Ltd làm chủ đầu tư. Dự án này được Lotte xúc tiến từ năm 2013, sau đó được công ty con là Lotte Asset Development đề xuất với tên gọi Thu Thiem Eco Smart City trên 12 lô đất có diện tích 12,5ha. Bốn công ty thuộc Lotte dự kiến sẽ liên doanh với ba công ty Nhật Bản để phát triển dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỉ USD.

Sau đó Thủ tướng yêu cầu đấu thầu dự án và mặc dù công bố kêu gọi đầu tư nhưng không có nhà đầu tư nào đủ năng lực tham gia ngoài bốn công ty của Lotte, nên chính quyền thành phố quyết định lựa chọn nhóm nhà đầu tư này, và họ đã lập ra công ty Lotte Properties HCMC để theo đuổi tiếp dự án.

Tuy nhiên, với việc trở lại bằng pháp nhân mới, diện tích đất bị giảm xuống còn hơn 5ha và tổng vốn đầu tư chỉ còn 900 triệu USD. Đến nay, chủ đầu tư đã nộp tiền quỹ ký 120 tỉ đồng, góp vốn điều lệ 180 triệu USD vào Lotte Properties, nộp cam kết vay vốn đầu tư dự án.

Một dự án khác được người đứng đầu chính quyền thành phố nhắc đến là Saigon Sports City của Keppel Land (Singapore). "Đất đã dọn sẵn rồi, chỉ còn vướng một chỗ ở Sở Xây dựng, phải nhanh chóng tháo gỡ cho người ta sớm khởi công," ông Phong chỉ đạo.

Dự án Saigon Sports City nằm ở Quận 2, có quy mô 64 ha, được thiết kế với 4.300 căn hộ, tổng đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD. Giai đoạn 1 có tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 90.000m2 với sản phẩm là trung tâm thương mại và 1.220 căn hộ.

Dự án kéo dài và tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất là khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa cũng được ông Phong hối thúc tiến độ vì đã nhiều lần thảo luận, làm việc, chỉ ra điểm vướng nhưng tiến độ dự án vẫn không chuyển động.

Được biết, khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt năm 1992, đến năm 2004 giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Nhưng vì quy mô dự án quá lớn nên chính quyền TP HCM thu hồi và tìm nhà đầu tư có năng lực tài chính hơn.

Đến cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến 50 năm. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu chủ đầu tư này thấy sự phức tạp trong thủ tục đầu tư khiến ông lớn này xin rút lui. Chính quyền TP HCM cũng thừa nhận là nhà đầu tư có đặt 3 câu hỏi mà chúng ta trả lời hoài không được.

Cụ thể nhà đầu tư đặt vấn đề tổng mức bồi thường là bao nhiêu? Lúc nào giao được đất sạch và đơn giá sử dụng đất như thế nào? Sau này cũng có nhiều nhà đầu tư hỏi tương tự nhưng TP vẫn bế tắc để trả lời

Sau đó tập đoàn Bitexco được TP HCM chỉ định đầu tư nhưng "đại gia" nội địa này cũng mắc kẹt trong việc tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi trên. Gần đây,  thông tin về hàng chục nhà đầu tư tham gia triển khai dự án cũng chỉ dừng lại ở mức độ "muốn" chứ chưa thể hiện thực hóa. Cuối cùng số phận dự án này vẫn chưa được cải thiện sau hơn 20 năm.

Cũng liên quan đến tiến độ các dự án bất động sản trên địa bàn TP HCM, vừa qua UBND thành phố đã cho phép 124 dự án được tiếp tục triển khai sau khi bị tạm dừng để thanh tra, ra soát pháp lý. Tuy nhiên, đến nay danh sách các dự án được phép hoạt động trở lại chưa được công bố công khai.

V.Dũng