Lộ trình thăng tiến minh bạch sẽ giúp start-up giữ người tài
Bài toán nhân sự
Trong doanh nghiệp, quản trị nhân sự là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại. Công ty luôn tiềm ẩn rủi ro khi đội ngũ không phối hợp, thực thi nhiệm vụ hiệu quả. Nhưng start-up non trẻ, hạn chế tài chính rất khó thu hút nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp, chuyên môn cao và giữ chân họ đồng hành lâu dài.
Chương trình CEO – Chìa khóa thành công phát sóng ngày 26/8 với chủ đề “Khởi nghiệp – Quản trị nhân sự” đặt ra tình huống của start-up hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh ngọt. Sau 2 năm hoạt động, công ty đã ổn định thị trường, nâng cao năng lực sản xuất.
Video: CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề "Khởi nghiệp - Quản trị nhân sự" vào 9/9.
Khi mở rộng thị trường lên 7 cửa hàng, tình hình kinh doanh bộc lộ bất ổn về chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Bởi, đội ngũ tăng nóng nhưng khả năng đáp ứng công việc kém. Nhân viên cũ thiếu trình độ truyền đạt, đào tạo người mới. Công ty mới nên chưa tuyển dụng được nhân sự lành nghề, chuyên môn cao.
Luôn trong trạng thái quá tải, CEO đề xuất với HĐQT tuyển nhân sự chuyên nghiệp đảm nhận vị trí then chốt. Nhưng cổ đông phản đối vì cho rằng mô hình kinh doanh đang vận hành tốt. Phương án bổ sung đội ngũ vừa tốn kém vừa chưa chứng tỏ hiệu quả. Thay vào đó, công ty nên tìm nhân sự đúng ngành nghề, rồi đào tạo thêm. Họ sẽ công tác lâu dài hơn trong doanh nghiệp, mà chi phí lương thưởng cũng không tốn kém như nhân sự chuyên môn cao.
Bồi dưỡng, khai thác lại tiềm năng nhân sự cũ
Nhận định về vấn đề này, tại CEO – Chìa khóa thành công vào sáng 9/9 tiếp tục chủ đề “Khởi nghiệp – Quản trị nhân sự”, Hồ Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ Phần Xi măng nhận định, CEO đang sở hữu đội ngũ nhân viên tâm huyết mà nhiều doanh nghiệp không có. Nếu không gắn bó, đồng cảm thì họ đã rời bỏ công ty lúc khó khăn.
Chuyên gia Hồ Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ Phần Xi măng. |
Hồ Minh Tâm nhận định rằng, thay vì bổ sung ngay nhân sự mới, CEO nên đánh giá lại phương pháp quản trị cho cán bộ hiện tại. Công ty thực hiện khảo sát sáng kiến, khơi gợi, đề ra chiến lược nhằm khai thác hết năng lực trong mỗi nhân viên.
Đồng thời, doanh nghiệp phải biết quản trị nhân sự chuyên nghiệp, hiệu quả bằng chính sách quy hoạch kèm tiêu chí đánh giá cán bộ tiềm năng, minh bạch để nhân viên cảm thấy họ làm việc ở môi trường công bằng, dễ đi xa nếu thật sự nỗ lực. Một lộ trình thăng tiến, văn hóa bình đẳng giúp start-up thu về kết quả ngoài mong đợi từ đội ngũ cán bộ kỳ cựu. Đây cũng là lời giải tốt nhất cho bài toán giữ chân người tài.
Ông Tâm tư vấn thêm rằng nếu buộc bổ sung nhân sự chuyên nghiệp để hỗ trợ CEO thì cần xem họ có phù hợp với văn hóa, có chia sẻ tầm nhìn, thấu hiểu khó khăn của công ty không? Nhà tuyển dụng không nên vội vàng chấp nhận người chưa yên tâm với sự phát triển doanh nghiệp.
Xác định nhân sự, quy trình chuyên nghiệp ưu tiên
Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin FPT – Phùng Việt Thắng – đồng quan điểm cho rằng đội ngũ cán bộ cũ gắn kết với doanh nghiệp. Đây cũng chính là khó khăn của CEO khi đánh giá hiệu quả làm việc thực sự của từng người. Thậm chí chính sách đánh giá năng lực công bằng, minh bạch cũng chưa chắc khiến họ muốn đồng hành cùng công ty trong thời gian tới.
Chuyên gia Phùng Việt Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin FPT. |
Phùng Việt Thắng khẳng định nhà điều hành rất khát vọng nhưng không chuyên nghiệp. CEO chưa đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề nhân sự rõ ràng như sắp xếp thứ tự ưu tiên từng công việc, đối tượng.
Doanh nghiệp thành công phụ thuộc vào toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm nhiều công đoạn từ sản xuất, quản lý chất lượng đầu ra đến phân phối, bán lẻ, duy trì thương hiệu. Mỗi công đoạn gồm nhiều quy trình, kèm theo quy trình là những người thực hiện. Quy trình và con người bổ sung cho nhau nên cần xây dựng cùng nhau. Do đó, CEO phải bóc tách, xác định yếu tố thành công của mô hình kinh doanh nhằm ưu tiên chuyên nghiệp hóa nhân sự, quy trình thực sự cần trong giai đoạn tới.
“Nhân sự chuyên nghiệp gồm người giỏi làm bánh, giỏi quản lý, giỏi giao hàng. CEO có vai trò xác định rõ đối tượng chuyên môn ưu tiên đào tạo trong và ngoài công ty là gì. Doanh nghiệp đang trên đà phát triển nên dễ tạo điều kiện duy trì, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cũ”, ông Thắng khuyên.
Phó tổng giám đốc FPT bình luận, bài toán nhân lực có thể xảy ra ở hầu hết doanh nghiệp Việt. Hàng loạt công ty mới ra đời theo phong trào khởi nghiệp khiến lượng nhân sự không đủ đáp ứng. Người có năng lực chỉ chiếm thiểu số, trong khi chưa làm được việc chiếm đa số. Chủ doanh nghiệp phải kiêm nhiều công việc vì không tìm ra người phù hợp, hỗ trợ mình. CEO tâm huyết đào tạo, nhưng nhân viên lại nhanh chóng mang tính chuyên nghiệp phục vụ cho đơn vị khác.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/