Lo ngại cổ phiếu mất giá quá nhiều do COVID-19, hàng loạt tập đoàn ở châu Á hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán
Nhiều tài phiệt châu Á và gia đình họ đang rút doanh nghiệp của họ khỏi các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực với số lượng lớn nhất trong vòng một thập kỉ trong bối cảnh COVID-19 đang làm giảm giá trị vốn hóa bởi nỗi lo suy thoái, theo South China Morning Post.
Nhịp độ hối hả có khả năng sẽ tiếp tục trong bối cảnh các nhà sáng lập doanh nghiệp tìm cách hủy niêm yết cổ phiếu của những doanh nghiệp mà họ cảm thấy bị định giá dưới giá trị hoặc để sắp xếp lại cấu trúc hỗn độn của doanh nghiệp. Trong khi đó, các quĩ đầu tư cũng chuẩn bị tới 1,5 nghìn tỉ USD để mua cổ phiếu rẻ, theo csacs nhà môi giới.
"Chuyển đổi từ doanh nghiệp đại chúng thành công ty tư nhân sẽ là xu hướng thống trị trong các vụ mua lại và sát nhập trong năm nay", Dieter Turowski, chủ tịch mảng ngân hàng đầu tư ở châu Á của tập đoàn Morgan Stanley, bình luận.
Ông Dieter Turowski nhấn mạnh các doanh nghiệp đại chúng sẽ hủy niêm yết vì thay đổi chiến lược, đơn giản hóa cấu trúc và, lí do quan trọng nhất, thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị.
Giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp đại chúng ở châu Á đã giảm dần từ năm ngoái, và đà giảm đã nhảy vọt trong tháng 3 do khủng hoảng COVID-19.
Chỉ số giá trên thu nhập MSCI châu Á - Thái Bình Dương của 1.584 doanh nghiệp đã giảm tới 13 lần - mức thấp nhất trong một năm, theo dữ liệu của Bloomberg. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các công ty blue-chip ở Hong Kong đã giảm dưới mức giá trị thực trong tháng 3, nhưng mới chỉ là lần thứ ba như vậy trong gần 30 năm.
23 thương vụ tư nhân hóa của doanh nghiệp đại chúng - với trị giá 14,6 tỉ USD - đã diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương từ đầu năm tới ngày 31/3, theo Dealogic. Ngược lại, chỉ 7 vụ hủy niêm yết với trị giá 287 triệu USD diễn ra trong năm ngoái.
Các nhà quản lí ngân hàng nhận định số lượng vụ hủy niêm yết trong 3 tháng đầu năm nay tương đương số lượng trong năm 2003, khi đại dịch SARS khiến hàng loạt cổ phiếu mất giá trị lớn.
Khi Chỉ số Hang Seng mất 19% trong quí đầu năm nay, các ngân hàng ở Hong Kong bận rộn hồi tháng 3 do các doanh nghiệp ở Hong Kong chiếm tới gần 1/3 số vụ chuyển đổi sang công ty tư nhân.
Gia tộc Fung và tập đoàn GLP của họ muốn tư nhân hóa công ty quản lí chuỗi cung ứng toàn cầu Li & Fung với số tiền 929 triệu USD. Tỉ phú Peter Woo Kwong-ching muốn tư nhân hóa tập đoàn bất động sản Wheelock and Co. Tập đoàn xây dựng Soho China đang lên kế hoạch bán hết tài sản cho tập đoàn Blackstone với giá 4 tỉ USD, theo Reuters.
"Các quĩ tư nhân, quĩ đầu tư chính phủ và doanh nghiệp gia đình còn giữ rất nhiều vốn. Vì thế, số lượng doan nghiệp muốn định giá để tư nhân hóa đang ở mức cao", Kerwin Clayton, đồng giám đốc về hoạt động mua lại và sát nhập doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan Chase, bình luận.