Lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu
5 nghìn nông hộ tham gia chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu | |
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, Dây và Cáp Sacom cần làm gì? |
Các con chip nhỏ bằng hạt gạo được cài vào bản mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) vừa đăng một bài điều tra gây chấn động, trong đó cáo buộc một đơn vị bí mật của quân đội Trung Quốc đã cài các con chip nhỏ bằng hạt gạo vào các bản mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc. Những bản mạch này sau đó được hơn 30 công ty và tổ chức tại Mỹ sử dụng, trong đó có các công ty lớn như Apple, Amazon.
Sự việc được phát giác từ năm 2015, khi Amazon thâu tóm công ty khởi nghiệp Elemental Technologies. Khi kiểm tra máy chủ của Elemental, các chuyên gia của Amazon thấy có những con chip nhỏ chỉ bằng đầu bút chì (microchip), được gắn trên bản mạch chủ mà không có trong thiết kế ban đầu.
Các bản mạch chủ trong máy tính của Elemental do một công ty có trụ sở tại San Jose, tên là Supermicro cung cấp. Công ty này thành lập năm 1993 bởi một kỹ sư Đài Loan và thường sản xuất các mạch chủ ở Trung Quốc. Bản mạch chủ của họ có trong nhiều máy chủ tại các ngân hàng, dịch vụ mạng và cả nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple, Amazon.
Theo Bloomberg, các microchip bí mật có thể “giao tiếp” với máy tính bên ngoài và giúp tin tặc xâm nhập vào hệ thống. Nếu các máy chủ gắn “chip lạ” được sử dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm, thì lỗ hổng trên có thể để lại hậu quả lớn về an ninh.
Cả Apple và Amazon đã phủ nhận những thông tin trong bài báo của Bloomberg, song tờ báo này khẳng định họ có nhiều nguồn tin bên trong Amazon và cộng đồng tình báo.
Mặc dù các cơ quan an ninh Mỹ như FBI, CIA chưa đưa ra phản hồi, nhưng những nghi vấn này đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh các công ty, các quốc gia đang lệ thuộc nhau trong một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp.
Mọi người thường nghĩ về toàn cầu hóa kinh tế khi liên quan đến các sản phẩm thương mại cuối cùng của quá trình sản xuất, chẳng hạn những chiếc xe được vận chuyển qua biên giới từ Canada, Mexico tới Mỹ. Nhưng đó chỉ là bề ngoài.
Một sản phẩm phức tạp như máy tính có thể được xây dựng từ các linh kiện được chế tạo bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà sản xuất chuyên biệt, nằm ở các quốc gia trên khắp thế giới. Điều này một mặt mang lại hiệu quả kinh tế lớn, cho phép các công ty, nền kinh tế quốc gia hoặc khu vực gặt hái những lợi ích của chuyên môn hóa và người tiêu dùng sẽ có được sản phẩm rẻ hơn và tốt hơn. Song mặt khác, nó làm gia tăng tính phụ thuộc. Chẳng hạn, chỉ cần một nhà máy linh kiện ở đâu đó bị cháy thì giá máy tính tại Mỹ sẽ tăng lên.
Giờ đây, sự lệ thuộc lẫn nhau trong các nền kinh tế đang đặt ra một lo ngại mới, đó là vấn đề bảo mật, nếu như các quốc gia sử dụng chuỗi cung ứng làm vũ khí. Vụ hack bản mạch chủ được nêu trong bài báo của Bloomberg, có thể coi là một ví dụ cụ thể.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa công nghệ ngày càng quan trọng. Các công ty như Foxconn chuyên sản xuất và lắp ráp các sản phẩm tiêu dùng thông dụng như iPhone và quốc gia châu Á này được coi là thống trị ngành sản xuất phần cứng máy tính.
Nhiều người tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ can thiệp vào các sản phẩm xuất khẩu, vì lo ngại những thiệt hại mà hành vi này gây ra cho nền kinh tế. Nhưng bài báo của Bloomberg cho thấy, khả năng xâm nhập của Trung Quốc là không loại trừ và nó sẽ gây ra cú sốc trong chuỗi cung ứng.
Rất có thể từ vụ việc này, Mỹ sẽ có thêm nhiều áp lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Quốc Trung nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, trong một số lĩnh vực.
Điều này sẽ gây ra hậu quả đáng kể đối với thương mại quốc tế, có nguy cơ dẫn đến một thế giới mà trong đó các quốc gia không sẵn sàng thuê ngoài các sản phẩm và linh kiện “nhạy cảm”.
Trong khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ ngày càng trở nên kết nối hơn và có thể khai thác nhiều hơn, thì các nền kinh tế lớn trên toàn cầu lại đang có nguy cơ tự “ngăn mình” trong biên giới quốc gia để đảm bảo an ninh.
Tờ Washington Post đưa ra một kịch bản cực đoan, cho rằng kinh tế toàn cầu hóa của những thập kỷ 1990 và 2000 chỉ là một “phút lầm lạc ngắn ngủi” và sẽ bị thay thế. Các nền kinh tế lớn sẽ sản xuất những bộ phận quan trọng ở ngay trong nước mình và hạn chế trao đổi quốc tế. Hậu quả lúc đó, với kinh tế thế giới, sẽ rất lớn.