|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại gia bảo hiểm đang sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu VNM, MBB, CTG, POW, VNR

09:27 | 11/05/2022
Chia sẻ
Danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt có giá gốc vào cuối tháng 3 lên tới gần 2.976 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2021.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) cho thấy danh mục chứng khoán kinh doanh của đơn vị này có giá gốc vào cuối tháng 3 lên tới gần 2.976 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 1,6% tổng tài sản.

Trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm khoảng 70% với giá trị hơn 2.087 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thời điểm cuối năm ngoái với mã chủ lực là VNR, POW, CTG, MBB và VNM. Trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 18% với giá trị gốc là 546 tỷ đồng. Ngoài ra còn có cổ phiếu chưa niêm yết và các chứng chỉ quỹ khác, chiếm chưa đến 10% danh mục.

Tính đến 31/3/2022, danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thuần hơn 2.910 tỷ đồng, tương đương dự phòng lỗ hơn 65,4 tỷ đồng (riêng cổ phiếu niêm yết dự phòng lỗ gần 28 tỷ đồng).

 Danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt tính đến cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I).

Phân tích kỹ hơn vào danh mục đầu tư, mã cổ phiếu có giá trị lớn nhất tính tới 31/3 là VNM của Vinamilk với giá trị gốc lên tới hơn 383 tỷ đồng và dự phòng lỗ gần 17,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm ngoái, Bảo Việt chỉ sở hữu khoảng 210 tỷ đồng cổ phiếu VNM. Điều này cho thấy tập đoàn đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu VNM trong quý I vừa qua.

Về diễn biến giá cổ phiếu, VNM đã liên tục lao dốc trong giai đoạn từ cuối năm 2021 đến nay với mức giảm giá lên tới hơn 40%. Đây có thể là động lực thúc đẩy Bảo Việt ‘’bắt đáy’’ cổ phiếu VNM trong bối cảnh lượng tiền mặt của tập đoàn đã tăng mạnh trong ba tháng đầu năm.

Tổng tài sản của BVH tính đến 31/3 tăng 8% so với đầu năm, đạt hơn 183.778 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi đầu năm, lên gần 10.763 tỷ đồng. 

Bên cạnh VNM, Bảo Việt mua thêm 11 tỷ đồng cổ phiếu CTG, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 298 tỷ đồng và dự phòng lỗ hơn 2 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Những mã cổ phiếu khác mà tập đoàn này sở hữu còn có gần 266 tỷ đồng cổ phiếu VNR, 166 tỷ đồng cổ phiếu MBB,...

Ở diễn biến trái ngược, Bảo Việt đã bán một lượng lớn cổ phiếu POW, giảm khoảng 50 tỷ đồng giá trị nắm giữ xuống còn 122 tỷ đồng (cuối năm 2021 là hơn 170 tỷ đồng).

Báo cáo gần đây của Chứng khoán SSI dự báo mảng kinh doanh bảo hiểm từ năm 2022 sẽ dần tốt hơn khi lãi suất đã chạm đáy và Bảo Việt sẽ có giai đoạn kinh doanh thuận lợi hơn . Tuy nhiên, tác động đến tăng trưởng lợi nhuận ước tính vẫn còn khiêm tốn trong 2022 do mảng dịch vụ môi giới chứng khoán giảm tốc và thị trường chứng khoán hạ nhiệt. 

Các chuyên gia phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Tập đoàn Bảo Việt đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận trước thuế mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ dự kiến tăng lần lượt 46% và 17% so với cùng kỳ, đạt 1.500 tỷ đồng và 308 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động đầu tư của Bảo Việt ước tính tăng 6% so với cùng kỳ đạt 8.300 tỷ đồng, dựa trên giả định lãi suất huy động sẽ tăng 0,4 điểm %.

Trong khi đó, lãi chứng khoán kinh doanh ước tính ở mức thấp trong 2022 so với 486 tỷ đồng trong 2021. Trong năm ngoái, doanh nghiệp đã bán một số khoản đầu tư chứng khoán như VOS, MBB, POW, CMG,....

Phương Nga

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.