Lĩnh vực tài chính tiền tệ: Các giải pháp để tránh những cú sốc
2 lựa chọn điều hành chính sách tiền tệ | |
Chính sách tiền tệ nào trong 6 tháng cuối năm? |
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có xu hướng giảm trong các năm tiếp theo. Ảnh: THÀNH HOA |
Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chung đó. Thực trạng hiện nay đang khá giống với diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây đúng 10 năm. Vào năm 2007, thời điểm mà Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hơn 20 tỉ đô la Mỹ đã được các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào thị trường Việt Nam. Một khối lượng tiền đồng rất lớn đã được bơm ra nền kinh tế khi đó. Cung tiền (money supply) tăng mạnh khiến cho chỉ số lạm phát của Việt Nam tăng tới 19,9% vào năm 2009. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục phải tăng lãi suất nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất tăng nhanh khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,4% trong năm 2009, mức thấp nhất so với nhiều năm trước đó. Đây được xem là một bài học đắt giá và có ý nghĩa lịch sử cho Việt Nam.
Việt Nam đã và đang chủ động đối phó
Bối cảnh của kinh tế toàn cầu hiện nay khiến cho chúng ta không thể chủ quan. Mới đây nhất, trong cuộc họp với tổ tư vấn về kinh tế diễn ra ngày 23-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ không để xảy ra cú sốc với nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ đã và đang triển khai một số giải pháp để nền kinh tế tránh lặp lại những diễn biến của những năm 2008-2009.
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN đã sử dụng công cụ phái sinh để điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh giải ngân vốn vào Việt Nam trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, thay vì mua đô la Mỹ theo giá giao ngay (spot) thì NHNN đã mua kỳ hạn (forward). Mục tiêu của công cụ này là nhằm tránh cho việc phải bơm quá nhiều tiền đồng ra tại cùng một thời điểm.
Thứ hai, đó là quyết tâm giữ cho lạm phát bình quân tăng không quá 4% trong năm 2018 và các năm tiếp theo của Chính phủ. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai như không tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng như chưa tăng giá điện trong năm 2018; đẩy nhanh quá trình đấu thầu tập trung nhằm giảm giá hàng hóa và một số dịch vụ công hay không nới room về tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2018... Lạm phát thấp đồng nghĩa với việc NHNN sẽ không phải đối mặt với áp lực phải tăng lãi suất giống như Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
Thứ ba, dường như cũng là hệ quả của các giải pháp ở trên, đó là việc sẵn sàng để tỷ giá biến động nhằm giữ sự ổn định của mặt bằng lãi suất. Hay nói một cách chính xác hơn là sẵn sàng hy sinh tỷ giá ở một mức nhất định để giữ được sự ổn định của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Đây có lẽ là điểm khác biệt rất rõ trong điều hành chính sách của Việt Nam hiện nay.
Cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa
Chính sách tiền tệ mới chỉ thực hiện được mục tiêu là tạo ra một môi trường ổn định, còn để thúc đẩy cả nền kinh tế tăng trưởng thì cần phải dựa vào chính sách tài khóa.
Các giải pháp ở trên dường như mới chỉ diễn ra trên bình diện của chính sách tiền tệ. Vậy còn chính sách tài khóa đang ở đâu và câu trả lời gần như là chưa thấy rõ. Nếu vậy, có lẽ là chưa đủ để Việt Nam có thể thoát ra khỏi những biến động tiêu cực của thị trường tài chính toàn cầu.
Chính sách tiền tệ mới chỉ thực hiện được mục tiêu là tạo ra một môi trường ổn định, còn để thúc đẩy cả nền kinh tế tăng trưởng thì cần phải dựa vào chính sách tài khóa. Theo đó, các dự án đầu tư công cần phải được xem là đầu tàu, là yếu tố dẫn dắt để thu hút tất cả các thành phần trong nền kinh tế tham gia. Để đạt được mục tiêu đó, cần có các giải pháp quyết liệt hơn so với hiện nay.
Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là phải có sự chọn lọc và ưu tiên, tránh việc đầu tư dàn trải vào quá nhiều dự án nhưng lại không tạo ra được sức hút lan tỏa.
Thứ hai, cần giải quyết triệt để tình trạng kéo dài thời gian đầu tư. Bởi lẽ, càng kéo dài thì chi phí càng lớn và kéo theo hiệu quả kinh tế càng giảm.
Thứ ba, tiếp tục và ưu tiên triển khai các dự án theo hướng tư nhân hóa. Bởi vì, chỉ khi có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân thì hai yếu tố ở trên mới được giải quyết một cách triệt để.