| 10:11PM, 27/12/2024
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

21:00 | 29/04/2018
Chia sẻ
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 4 tháng đầu năm nay trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,3 triệu USD, chiếm 13,2%.

Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%

Tính đến 20/4/2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút 883 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.554 triệu USD, tăng 20,3% về số dự án và giảm 27,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

viet nam dau tu ra nuoc ngoai chu yeu trong linh vuc tai chinh ngan hang
Vốn đầu tư FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm đạt 5,1 tỷ USD

Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.245 triệu USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đạt 5.799 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 tháng có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2.263 triệu USD, tăng 67%, trong đó có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,56 tỷ USD và 776 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 703,5 triệu USD.

Công nghiệp chế biến chế tạo hút vốn ngoại nhiều nhất

Trong 4 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 1.926 triệu USD, chiếm 54,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 455,5 triệu USD, chiếm 12,8%; các ngành còn lại đạt 1.172,2 triệu USD, chiếm 33%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng năm nay đạt 3.945 triệu USD, chiếm 68% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 564,5 triệu USD, chiếm 9,8%; các ngành còn lại đạt 1.289,1 triệu USD, chiếm 22,2%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 578,3 triệu USD, chiếm 25,5% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đạt 392,8 triệu USD, chiếm 17,4%; các ngành còn lại đạt 1.291,8 triệu USD, chiếm 57,1%.

Hà Nội hút gần 500 triệu USD vốn FDI đăng ký, dẫn đầu cả nước

Cả nước có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 498,7 triệu USD, chiếm 14% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là TP HCM 408 triệu USD, chiếm 11,5%; Bình Dương 364,8 triệu USD, chiếm 10,3%; Ninh Thuận 327,6 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai 273,9 triệu USD, chiếm 7,7%; Hà Nam 187,7 triệu USD, chiếm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu 182,7 triệu USD, chiếm 5,1%; Quảng Ninh 176,6 triệu USD, chiếm 5%.

Nhật Bản tiếp tục đầu tư FDI nhiều nhất với gần 880 triệu USD

Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 877,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 830,8 triệu USD, chiếm 23,4%; Singapore 459,2 triệu USD, chiếm 12,9%; Trung Quốc 229,6 triệu USD, chiếm 6,5%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (TQ) 172,5 triệu USD, chiếm 4,9%; Hà Lan 170,6 triệu USD, chiếm 4,8%; Thái Lan 168,5 triệu USD, chiếm 4,7%.

Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 4 tháng năm 2018 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 129 triệu USD, đồng thời 4 tháng năm nay có 11 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 24,6 triệu USD.

Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng năm 2018 đạt 153,6 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,3 triệu USD, chiếm 13,2%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đạt 12,9 triệu USD, chiếm 8,4%. Trong 4 tháng có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 16,9%; Cuba chiếm 13%.

Bạch Mộc