Chính sách tiền tệ nào trong 6 tháng cuối năm?
Chính sách tiền tệ nào trong 6 tháng cuối năm? (Ảnh: Diệp Bình) |
Sáng ngày 14/7, tại Hội thảo "Chính sách Tài chính - Tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017", nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện tương đối tốt các chính sách trong nửa đầu năm.
Chính sách tiền tệ tương đối thành công trong 6 tháng đầu năm 2017
Đánh giá sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá 6 tháng đầu năm 2017, TS Cấn Văn Lực cho rằng chính sách tiền tệ đã được thực hiện một cách thận trọng và chặt chẽ, ổn định được lãi suất và tỷ giá. Trong khi đó, việc điều hành giảm lãi suất phát hành trái phiếu phù hợp, giảm chi tiêu ngân sách và có lộ trình tăng giá hàng hoá thiết yếu phù hợp ở chính sách tài khoá đã góp phần kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chính sách tiền tệ đang được đề ra với quá nhiều mục tiêu khiến khó kiểm soát và điều tiết. Phát hành trái phiếu với tỷ lệ thành công cao song giải ngân đầu tư công chậm khiến tăng chi phí (do vẫn phải trả lãi suất) và đôi khi chèn lấn tín dụng tư nhân, nhất là nguồn vốn trung dài hạn.
Nhận định về quyết định giảm lãi suất điều hành đồng thời giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng chung là 18%, đại diện từ Học Viện Chính sách và Phát triển cho rằng đây không phải là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ hội giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Qua số liệu thống kê, mức lãi suất huy động và cho vay năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đang ở mức thực dương, NIM của các ngân hàng đang ở mức hợp lý, xu hướng lạm phát giảm thấp.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu tại NHTM đang có xu hướng giảm rõ rệt, thu hồi nợ xấu tăng làm tăng thu nhập và giảm tỷ lệ trích dự phòng rủi ro. Do vậy, chuyên gia cho rằng cần tiếp tục duy trì mục tiêu giảm lãi suất đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu.
Chính sách nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm 2017
Qua hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra gợi ý, đề xuất nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định lãi suất và kiềm chế lạm phát.
Giáo sư Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng như đề ra, bên cạnh các giải pháp dài hạn như cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế,... thì cần tập trung vào các giải pháp về chính sách tài chính - tiền tệ. Ông cho rằng chính sách đang đi đúng hướng nhưng có độ trễ còn lớn và hiện tại vẫn còn dư địa để giảm lãi suất.
TS Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý, trước hết cần xử lý triệt để vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công (nhưng không phải bằng mọi giá). Cùng với đó là đẩy mạnh tiết giảm chi thường xuyên ngân sách nhà nước, phối hợp đồng bộ các giải pháp điều hành tỷ giá. Ngoài ra, cần chính thức đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.
Về trung dài hạn, chuyên gia cho rằng cần phải kiên định với mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, ông đề xuất bỏ giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng, thay vào đó là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) để tạo sự linh hoạt trong điều hành.
Giãn lộ trình tăng LDR do áp lực thanh khoản cuối năm tăng cao
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đạt 8% trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức 6,2%. Thông thường khi diễn ra chênh lệch này thì sẽ tạo áp lực thanh khoản trên thị trường tiền tệ, nhưng hiện tượng này lại không diễn ra.
Ngoài lý do giải ngân đầu tư công diễn ra chậm, dẫn đến lượng tiền gửi của kho bạc nhà nước vào hệ thống NHTM tăng lên, TS Cấn Văn Lực cho rằng một phần là do NHNN đã bơm thêm cả nguồn ngoại tệ vào các NHTM.
Ông nhận định, do cung cầu ngoại tệ trong thời gian vừa qua ổn định, tỷ giá không có nhiều biến động nên NHNN đã có động thái mua vào khoảng 10 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối. Lượng tiền này tiếp tục được bơm ra nền kinh tế thông qua các ngân hàng. Tính trong 6 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,5% - 6% trong khi năm 2016 không tăng.
Trong khi đó, giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (LDR) theo Thông tư 06 từ 50% xuống 40% gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong thanh khoản khi áp lực đang dồn về cuối năm. Từ đó, khiến các ngân hàng phải thúc đẩy tăng trưởng huy động, tăng lãi suất. Ông Lực cho rằng cần điều chỉnh ở mức chậm hơn, có thể từ 50% xuống 45% rồi mới xuống 40%.
Ngoài ra, cần tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Giảm lãi suất, ngân hàng sẽ phải chấp nhận chịu thiệt về lợi nhuận
Việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khâu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho ... |
VEPR: Đẩy mạnh giải ngân đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ tạo áp lực lớn lên thanh khoản cuối năm
Trong nửa đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng nhanh khiến chênh lệch huy động - tín dụng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, nhờ ... |