Lí do các sàn thương mại điện tử khao khát sở hữu ví điện tử ở Việt Nam
Cú bắt tay giữa thương mại điện tử và ví điện tử
Đầu tháng 11, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM) vào nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của họ.
M-Pay, một Công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, vận hành eM.
Thời điểm công bố phương thức thanh toán mới, Lazada thông báo eM sẽ mang đến cho người dùng một trải nghiệm thú vụ về thanh toán trực tuyến an toàn, bảo mật, dễ dàng và nhanh chóng. Song dường như câu chuyện không đơn giản như vậy.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Reuters đưa tin Ant Financial, công ty công nghệ tài chính của Alibaba, đã âm thầm thâu tóm một lượng lớn cổ phần của ví điện tử Việt Nam eMonkey.
Cũng theo nguồn tin này, những thương thảo của thương vụ thâu tóm đã được bàn luận từ mùa hè năm 2019.
Qui định hiện hành ở Việt Nam nêu rõ, Ant Financial sẽ không thể sở hữu trên 50% ví điện tử eMonkey. Song công ty sẽ có ảnh hưởng lớn đồng thời cung cấp các kinh nghiệm về kĩ thuật, công nghệ cho ví điện tử.
Trong bối cảnh Lazada thuộc sở hữu của Alibaba sau một thương vụ mua lại hồi trung tuần tháng 4/2016, rõ ràng việc Lazada tích hợp ví eM không hề đơn thuần là để nâng cao trải nghiệm người dùng như họ khẳng định.
Việc các trang TMĐT "bắt tay" tích hợp ví điện tử riêng không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam.
Shopee áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay, một dịch vụ nằm trong nền tảng số của SEA. AirPay nhận giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ năm 2015. Sendo có ví SenPay.
Một dịch vụ TMĐT đã dừng hoạt động là Adayroi trước đó cũng có một ví điện tử riêng trong hệ sinh thái là VinID. Nếu nói đến các sàn TMĐT lớn, Tiki có lẽ là cái tên duy nhất chưa có ví điện tử riêng, song hiện tại họ hợp tác với Momo.
Vì sao các sàn thương mại điện tử khao khát có ví?
Không phải ngẫu nhiên mà các "ông lớn" TMĐT đều muốn có ví điện tử. Mặc dù lí do phổ biến nhất là mong muốn hoàn thiện trải nghiệm mua sắm cho người dùng trên nền tảng số, từ đó tăng tỉ lệ người dùng trở lại, trung thành, song sở hữu ví điện tử và khuyến khích người dùng mua sắm qua đó còn mang lại nhiều lợi ích sâu xa khác.
Các chuyên gia nhận định giảm tỉ lệ số đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt (cash-on-delivery) có thể giúp các trang thương mại điện tử giảm chi phí bán hàng. Ví dụ, số lượng đơn hàng mà khách huỷ, giao không thành công sẽ giảm đáng kể nếu người dùng đã thanh toán trước.
Bên cạnh đó, việc có ví điện tử cũng giúp các trang TMĐT giảm chi phí luân chuyển dòng tiền thông qua các đơn vị người bán, người mua và đơn vị bên thứ ba.
Không dừng lại ở những lợi ích ấy, có ví điện tử cũng giúp các nền tảng TMĐT "vẽ" được chân dung người dùng với các "đường nét" như họ tài sản, mức thu nhập , hay họ dùng tiền vào những việc gì.
Từ đây, các dịch vụ thương mại điện tử có thể may đo thêm các tính năng phù hợp nhất với từng nhóm người dùng và tạo ra giá trị gia tăng từ đó. So với những lợi ích như hoàn thành trải nghiệm người dùng hay hạ chi phí bán hàng, dữ liệu người dùng là mục đích sau cuối của các nền tảng thương mại điện tử khi có ví.