Lập ứng dụng giao đồ vặt, startup nhanh chóng có 12.000 khách doanh nghiệp, lọt vào tầm ngắm của Google
Bắt đầu với câu hỏi: "Hôm nay bạn muốn Dunzo trợ giúp những gì?", ứng dụng sẽ đề nghị hỗ trợ danh sách các việc cần làm của người dụng - từ lựa chọn đồ cần mua, vận chuyển các gói hàng đến mua thuốc.
Hàng ngàn nhân viên giao hàng của công ty vận chuyển có trụ sở đặt tại thành phố Bangalore, đội mũ bảo hiểm màu xanh lá cây tươi sáng có logo hình tia sét, sẽ dành thời gian trong ngày để hoàn thành các nhiệm vụ như giặt khô hay giao bộ sạc máy tính xách tay bỏ quên ở nhà tới văn phòng.
Ý tưởng khởi nghiệp từ nhu cầu của bản thân
Ông Kabeer Biswas - nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Dunzo - nói: "Dunzo giống như một trình duyệt đỉnh cao của thế giới thực. Tại đó, bạn có thể giao dịch, chuyển phát nhanh và đi lại từ nơi này đến nơi khác. Bất kể bạn ở đâu, bất kể là điều gì, bất kể thời gian nào, Dunzo cũng sẽ mang cả thành phố đến cho bạn".
Biswas đã nảy ra ý tưởng này khi ông chuyển đến Bangalore - thành phố được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ, sau khi bán công ty khởi nghiệp đầu tiên của ông tại trung tâm công nghệ phía bắc Gurgaon vào năm 2014.
Trong một sự nỗ lực tìm đường đi lối lại ở thành phố mới, ông Biswas đã ước ông có thể sở hữu một "bàn tay phụ". Ông quyết định thành lập một nhóm trên WhatsApp và tự thực hiện những yêu cầu ban đầu của khách hàng như mua sắm đồ dùng cho bữa tiệc và giúp thay pin xe.
Dần dần, tin tức lan truyền nhanh chóng khiến điện thoại của Biswas tràn ngập tin nhắn. Đó cũng là lúc ông nhận ra ông cần phải mở rộng qui mô.
Cùng với 3 nhà đồng sáng lập khác, Biswas đã xây dựng một công ty mà hiện đang thực hiện hơn 2 triệu giao dịch hàng tháng tại 9 thành phố của Ấn Độ, bao gồm New Delhi, Gurgaon, Mumbai và Hyderabad. Thậm chí, công ty này hình thành dịch vụ chạy xe ôm.
12.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ
Dunzo tính phí khách hàng dựa trên nhiệm vụ được giao và quãng đường di chuyển. Chi phí giao hàng trung bình ít hơn 1 USD. Tuy nhiên, doanh thu phần lớn đến từ các khoản hoa hồng mà 12.000 doanh nghiệp nhỏ trả cho Dunzo để giúp họ thực hiện các đơn đặt hàng.
Dù công ty đã báo cáo khoản lỗ 1,7 tỉ rupee (23,5 triệu USD) trong năm tài chính vừa qua nhưng hoạt động tại một số thành phố vẫn có lãi hoặc sắp sinh lợi nhuận.
"Lợi thế Dunzo là lần đầu tiên loại hình này xuất hiện ở Ấn Độ và có lẽ cũng là trên cả thế giới, nó giải quyết các vấn đề thực tế một cách liền mạch", ông Biswas nói.
2 năm trước, Google đã rót vốn 12,3 triệu USD cho Dunzo. Đây chính là khoản đầu tư trực tiếp đầu tiên được huy động vào một công ty khởi nghiệp Ấn Độ.
Vào tháng 11, Google cũng đã rót thêm tiền vào công ty, tham gia vào vòng góp vốn 45 triệu USD, nâng giá trị của Dunzo lên mức 200 triệu USD.
Tuy nhiên, Dunzo đã từ chối bàn luận về định giá của nó. Ông hi vọng sẽ làm điều tương tự với ngành dịch vụ theo yêu cầu ở Ấn Độ. "Just Dunzo it" đang trở thành một cụm từ ngày càng phổ biến khi ứng dụng này mở rộng trên khắp các thành phố lớn nhất của đất nước.
"Bất kì một thương hiệu nào nếu muốn được nhắc đến bằng một động từ thì nó phải gắn liền với sự hài lòng mà thương hiệu đó cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ. Google đơn giản hóa việc truy cập thông tin, Uber giúp việc đi lại thuận tiện hơn, WhatsApp giúp giao tiếp dễ dàng hơn và Dunzo đã khiến mọi việc được thực hiện nhanh hơn", Biwas bình luận.
Biswas có một tầm nhìn đầy tham vọng cho ứng dụng. Ông cho rằng tiềm năng sử dụng của Dunzo là "vô hạn".
Nhà sáng lập Dunzo cũng lên kế hoạch mở rộng công ty, đặt mục tiêu tăng gần gấp 3 số lượng thành phố mà nó hoạt động, nhắm mục tiêu lọt vào top 25 doanh nghiệp của Ấn Độ trong vòng 18 tháng tới.
Đối với Dunzo, việc mở rộng hoạt động ra thế giới là hoàn toàn khả thi.