|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói Nghị định 20 'lấy lại công bằng cho xã hội', chuyên gia kêu phải sửa luật ngay

10:40 | 20/05/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Nghị định 20 lấy lại công bằng cho người dân, công bằng cho xã hội trong việc gian lận chuyển giá. Đồng thời ông khẳng định, Nghị định 20 không trái luật, nếu trái luật thì phải bị tuýt còi. Còn chuyên gia nêu loạt bất cập và cho rằng bây giờ phải sửa luật luôn, không phải lúc chờ nữa.

Nghị định 20 chưa trúng mục tiêu

Tại hội thảo Diễn đàn BĐS 2019: Xu hướng đầu tư diễn ra mới đây, giới chuyên gia đã có những ý kiến trái chiều xung quanh Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20.

Cụ thể, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 ảnh hưởng rất nhiều đối với các doanh nghiệp (DN) lớn trong và ngoài ngoài nước. Do đó, ông kiến nghị cần phải sửa Nghị định.

"Nếu áp theo quy định này, mỗi năm các doanh nghiệp lớn phải nộp thêm hàng trăm tỉ đồng cho cơ quan thuế. Nộp đúng không sao nhưng theo quan điểm của tôi khoản này là không đúng", ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn, Bộ Tài chính lại cho rằng, Nghị định 20 của Chính phủ ban hành mục đích là đưa ra một công cụ kiểm soát các giao dịch trên thị trường, bảo đảm sao cho các giao dịch đó được minh bạch để ngăn ngừa các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế, trốn thuế, lách thuế và chuyển dịch lợi nhuận giữa các quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói Nghị định 20 lấy lại công bằng cho xã hội, chuyên gia kêu phải sửa luật ngay - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). (Nguồn: Cafeland)

Ông Phụng phân tích thêm, Nghị định 20 ra đời trong bối cảnh Việt Nam tham gia cam kết quốc tế về thuế, đã hội nhập thì không thể một mình, các nước khác chống trốn thuế thì Việt Nam cũng chống trốn thuế mà mục đích chính của Nghị định 20 là chống chuyển giá.

"Việt Nam có một đặc sản mà thế giới không có, đó là công ty bố, công ty mẹ, công ty vợ, công ty chồng cũng là liên kết mặc dù có thể không có dính dáng gì về vốn với nhau. Trong Nghị định 20 có nêu rất nhiều vấn đề, chủ yếu là các giao dịch kinh tế giữa các DN có mối quan hệ liên kết phải đảm bảo theo giá thị trường. Tránh việc nguồn lực ở nơi này nhưng lại chuyển dịch sang nơi khác", ông Phụng cho hay.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng giải thích thêm, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 có nói rằng doanh nghiệp được giới hạn chi phí lãi vay để tính vào chi phí tính thuế không quá 20% lợi nhuận tính được trước khi tính thuế và tính khấu hao. Nghị định này điều chỉnh với công ty đa quốc gia và các công ty trong nước nhưng những tiếng kêu vừa qua chủ yếu đến từ DN trong nước. Chỗ này cần đặt dấu hỏi chấm.

Từ những phân tích trên, ông Phụng khẳng định: "Nghi định 20 lấy lại công bằng cho người dân, công bằng cho xã hội trong việc gian lận chuyển giá. Tôi khẳng định, Nghị định 20 không trái luật, nếu trái luật thì phải bị tuýt còi, chỉ có điều nó chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại. Hai tuần nữa chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên Chính phủ về khoản 3 điều 8 Nghị định 20. Các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 tránh bị phạt khai sai 20%, không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ".

Phản biện lại lập luận của Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV cho rằng, liên quan đến Nghị định 20 có 3 vấn đề bất cập.

Thứ nhất là mục tiêu của Nghị định nói chưa trúng, bởi ở đây là chống chuyển giá mà chuyển giá là doanh nghiệp FDI, tỷ lệ 20% không hợp với doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, Việt Nam là doanh  nghiệp đi vay rất nhiều thì ít ra cũng phải cao hơn 30%. Ngoài ra, thị trường vốn chưa phát triển, doanh nghiệp chủ yếu đi vay và chưa phát hành được cổ phiếu.

Ông Lực phân tích thêm, ở Châu Âu và Mỹ, thị trường vốn phát triển, người ta chỉ dựa vào 35% là vốn ngân hàng. Ở Việt Nam thì ngược lại, 60-65% là vốn ngân hàng. Hiện có 20 DN niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất trong thị trường BĐS đều đang bị "dính" Nghị định 20. Bởi vì tất cả đang ở ngưỡng khoảng 26-30%.

"Do đó, tỷ lệ này phải phù hợp hơn với bối cảnh ở Việt Nam chúng ta. Chúng tôi đang đề xuất nâng tỷ lệ này lên cho doanh nghiệp Việt Nam ở mức là 35-40% và phải có lộ trình để Doanh nghiệp kéo về" ông Lực cho hay.

Vấn đề thứ hai mà TS. Cấn Văn Lực chỉ ra đó là việc phát hành văn bản Luật có vấn đề. "Tháng 2 ra Nghị định, ngày 27/4 ra Thông tư hướng dẫn, ngày 1/5 có hiệu lực mà lại đúng vào kỳ nghỉ 30/4 thì tôi đố doanh nghiệp nào xoay kịp được. Doanh nghiệp cũng cần có lộ trình và thời gian để thở nên Thông tư hướng dẫn phải ban hành sớm hơn rất nhiều so với yêu cầu", ông Lực dẫn chứng.

"Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải sửa vấn đề này sớm, trên cơ sở ý kiến của nhiều Hiệp hội, của nhiều DN đã kêu. "Tôi nghĩ rằng bây giờ không phải lúc chờ nữa mà vấn đề là phải làm luôn thôi", đây cũng là vấn đề thứ ba mà ông Lực chỉ ra.

Cần phát triển mạnh mẽ thị trường trái phiếu

Nhận định về diễn biến thị trường BĐS những tháng còn lại năm 2019, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường năm nay sẽ không đến mức quá u ám và không phải quá lo lắng. BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở vẫn còn nhiều dư địa phát triển, chỉ có BĐS du lịch vẫn còn "lăn tăn" vấn đề pháp lý cho một số loại hình.

Về dòng tiền cho thị trường BĐS, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ đang hạn chế nguồn tín dụng vào lĩnh vực BĐS, dự báo sắp tới sẽ còn siết chặt hơn nữa. Hệ số rủi ro tín dụng vào BĐS tăng từ 150% lên 250%. Từ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào thị trường BĐS liên tục giảm từ 2016 đến nay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay đã và đang có những dòng vốn khác đổ vào BĐS tương đối tích cực như vốn tư nhân, vốn đầu tư công và vốn FDI. "Với ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, chắc chắn BĐS nhà ở, BĐS hơi cao cấp cho các chuyên gia vào làm việc, BĐS thấp cấp và NOXH cho công nhân sẽ có nhiều cơ hội để sáng sủa hơn trong năm nay", ông Lực nhận định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết thêm, theo dõi số liệu sẽ thấy dòng vốn ngân hàng thương mại không bị âm hay giảm ghê gớm mà nó chỉ tăng không được cao so với trước đây. Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh BĐS khoảng 510 nghìn tỉ, tương đương khoảng 7% tổng dự nợ nền kinh tế, ngoài ra cho vay xây dựng, xây lắp chiếm khoảng 9% dư nợ nền kinh tế. Cộng với cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà nằm trong tiêu dùng chiếm 6,5% tổng dự nợ. Do đó, cộng tổng vào thì tổng dư nợ gộp cho lĩnh vực BĐS và có liên quan là 22,5%, không phải nhỏ.

"Định hướng của cơ quan Nhà nước với Thông tư 36, tôi đã đề xuất cần phải bóc tách phần tín dụng tiêu dùng ra bởi vì nó nhập nhèm. Do đó, cần thống nhất bóc tách phần cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà ra khỏi tín dụng tiêu dùng, đồng thời điều chỉnh lại cơ cấu phân khúc BĐS để tương ứng với nó là hệ số rủi ro trúng hơn", ông Lực nói.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hệ số rủi ro mà NHNN đưa ra đã nhẹ nhàng hơn trước chứ không quá tiêu cực. Cụ thể, với phân khúc cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà hay là NOXH hiện nay hệ số rủi ro trước đây đều chung ở mức là 200%, bây giờ xuống còn 50%. Phân khúc nhà ở sắp tới sẽ cực kỳ phát triển tại Việt Nam. Còn lại những khoản cho vay từ 1,5 - 3 tỉ đồng có hệ số rủi ro là 100%, trên 3 tỷ là 150%.

"Liên quan đến thị trường vốn, một là phát triển mạnh mẽ hơn thị trường trái phiếu, đồng thời cần nhanh chóng có quỹ đầu tư BĐS và quỹ tín thác BĐS bởi chính sách tín dụng chưa khuyến khích quỹ này. Hai là nên có một quỹ tiết kiệm nhà ở", ông Lực khuyến nghị.

Khoản 3 Điều 8 quy định "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". Nghĩa là, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Quy định này nhằm mục đích làm tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, khuyến khích doanh nghiệp khai thác nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đây là một công cụ hữu hiệu để quản lý hiện tượng chuyển giá có thể xảy ra tại các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các doanh nghiệp liên kết, gây thất thu ngân sách. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quy định này không hợp lý và gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thu Hà