Doanh nghiệp gặp khó vì chờ sửa Nghị định 20
Thế nhưng, dù đích thân Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở 3 lần nhưng quy định này vẫn chưa được sửa.
Khống chế lãi vay, doanh nghiệp thua lỗ
Cụ thể, theo Nghị định số 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết đã có hiệu lực từ giữa năm 2017, nếu chi phí lãi vay vượt trên mức 20% tổng lợi nhuận thuần thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật".
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của EVN và các công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của DN.Quy định này khiến các DN bỗng dưng rơi vào tình cảnh thua lỗ hàng trăm tỉ đồng, lao đao kiệt quệ. Năm 2018, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính rằng khi thực hiện quy định này, số thuế thu nhập DN các công ty thành viên phải nộp tăng rất nhiều như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỉ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỉ đồng.
Mới nhất, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, vừa thoát hiểm trong hoạt động kinh doanh sau cú bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần ô tô Trường Hải lại bị quy định khống chế lãi vay “đè” xuống, chìm sâu trong thua lỗ.
Cụ thể trong Báo cáo tài chính bán niên 2019 có soát xét, phía công ty kiểm toán nhìn nhận, nếu Công ty Hoàng Anh Gia Lai thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập DN theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên thì thu nhập sẽ giảm gần 335,3 tỉ đồng và chi phí thuế thu nhập DN hiện hành sẽ tăng 155,5 tỉ đồng.
Từ đó, công ty sẽ chịu lỗ tăng thêm 490,6 tỉ đồng. Theo Ban Giám đốc Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của nghị định là chống chuyển giá. Công ty này vẫn đang kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính… về việc xem xét điều chỉnh Nghị định 20.
Thực tế, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với DN tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực DN tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Có thể thấy Nghị định 20 khiến khối DN tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập DN cao hơn và lợi nhuận thật của DN bị giảm đáng kể, không ít DN bị lỗ nặng.
Do đó kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan thực hiện xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của luật Thuế thu nhập DN và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 cho phù hợp với quy định hiện hành và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của DN tại Việt Nam. Trước mắt, đề nghị Chính phủ ngưng Nghị định 20 cho đến khi có văn bản sửa đổi bổ sung, thay thế.
Trước đó, trong năm 2018, hàng loạt tập đoàn, công ty lớn như EVN, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty lắp máy, Tổng công ty xi măng Việt Nam... cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa được sửa đổi.
Thủ tướng đã nhắc sửa 3 lần
Hơn 2 năm qua, quy định khống chế lãi vay trở thành rào cản gây khó khăn cho cộng đồng DN vẫn chưa được sửa đổi. Đáng chú ý, tại hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính vào ngày 12.7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải nhắc nhở lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế: “Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật. Còn để DN kêu rất nhiều mà không giải quyết là không được”. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc khống chế tỷ lệ trần lãi vay 20% chỉ có thể áp dụng cho các DN nước ngoài để chống chuyển giá khi các công ty con vay từ công ty mẹ để khai khống chi phí. Trong khi các DN của Việt Nam đều chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Các DN trong nước cũng khó có việc chuyển giá. Vì vậy, việc khống chế trần lãi vay là siết chặt và không khuyến khích DN mở rộng đầu tư kinh doanh.
Tương tự, ông Chung Thành Tiến, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nói thẳng, quy định khống chế lãi vay được các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ áp dụng cho các DN đa quốc gia, để chống chuyển giá bằng cách dịch chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác nhằm hưởng chênh lệch về thuế suất. Trong khi đó, Việt Nam lại áp dụng cho cả các DN trong nước với nhau. Chúng ta không sớm sửa sai, DN trong nước đã khó khăn trong cạnh tranh, lại càng khó khăn hơn.
|
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/