|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Nghị định 20 về chống chuyển giá làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp lên rất nhiều'

14:46 | 19/10/2017
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Ernst & Young, có rất nhiều doanh nghiệp gia đình Nhật Bản có quy mô vừa và nhỏ đầu tư sang Việt Nam không thuộc diện phải lập Hồ sơ toàn cầu theo quy định của Nhật Bản nhưng tại Việt Nam lại phải lập theo quy định của Việt Nam. Chi phí tuân thủ tăng lên rất nhiều.
nghi dinh 20 ve chong chuyen gia lam tang chi phi tuan thu cho doanh nghiep len rat nhieu
Bà Hương Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young (E&Y) Việt Nam.

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2016 đã nhấn mạnh đến một nội dung rất đáng chú ý, đó là hiện tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về thua lỗ. Trong cả giai đoạn 2007-2015, tỉ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ chiếm trên 40%.

Theo nhiều chuyên gia, trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cho thấy có những dấu hiệu của việc chuyển giá, trốn thuế.

Một báo cáo của Oxfam cho thấy, 100 tỷ USD là con số mà các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Và một lần nữa, Oxfam cũng đã “điểm mặt, chỉ tên” 15 thiên đường thuế trên thế giới, như Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore, quần đảo British Virgin, Hồng Kông…

Chống chuyển giá là chuyện không mới ở nhiều quốc gia. Điều tra chống chuyển giá, theo các chuyên gia, cũng rất khó vì không doanh nghiệp nào tự khai ra cả.

Nhắm các tập đoàn đa quốc gia, có lợi nhuận toàn cầu, Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/5/2017.Chống chuyển giá là chuyện không mới ở nhiều quốc gia. Điều tra chống chuyển giá, theo các chuyên gia, cũng rất khó vì không doanh nghiệp nào tự khai ra cả.

Với Nghị định này, nhiều ý kiến cho rằng, “vòng kim cô” chống chuyển giá đã được thiết lập, nhất là khi theo quy định tại nghị định này, các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế, trong trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên.

Nghị định 20 của Việt Nam yêu cầu khác biệt so với thế giới. Các nước khác, tập đoàn mẹ sẽ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và công bố cho cơ quan thuế của nước sở tại, còn Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp báo cáo đó cho cơ quan thuế tại Việt Nam khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, đó là những ý kiến từ phía các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, còn về phía doanh nghiệp, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Hương Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young (E&Y) Việt Nam về vấn đề này.

Cho đến nay, vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là một thách thức đối với cơ quan thuế. Nhất là khi một lượng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam từ các công ty được thành lập ở "thiên đường thuế" cùng câu chuyện "Hồ sơ Panama" thì vấn đề chuyển giá, trốn thuế lại một lần nữa được đặt ra. E&Y với tư cách là công ty kiểm toán toàn cầu, đánh giá thế nào về thực trạng này?

Bà Hương Vũ: Vấn đề giá xác lập trong các giao dịch liên kết và sử dụng công cụ này làm giảm thiểu một phần nghĩa vụ thuế thông qua chuyển giá là một vấn đề thực tế phát sinh trong hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia.

Chúng ta cũng nên xem rằng việc sử dụng giá giao dịch liên kết nội bộ của các tập đoàn này dựa trên hệ thống pháp luật thuế khác nhau của các quốc gia là một nhu cầu thực tế trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn. Có chăng, chỉ nên xem xét giá giao dịch liên kết đó có được xác lập tuân thủ với quy định của pháp luật thuế của từng nước hay không.

Các nước phát triển như các nước G20 cùng với khối OECD cũng như các nước đang phát triển đã có triển khai một phần hoặc toàn bộ các chương trình hành động để Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) để có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia.

Tháng 6/2017, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và đã có các lộ trình để thực hiện các hành động BEPS theo các khuyến nghị này.

Việc nâng tầm quan trọng trong việc quản lý giá giao dịch liên kết và vấn đề chuyển giá từ cấp Thông tư lên cấp Nghị định (mà mới đây là Nghị định 20/2017/NĐ-CP) của Chính phủ với nhiều thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế đang chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quản lý hoạt động này một cách hiệu quả hơn.

Với tư cách là một doanh nghiệp kiểm toán quốc tế, E&Y hỗ trợ khách hàng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật của các nước trong đó có Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi cũng đưa ra những tư vấn và phản hồi về cách thức doanh nghiệp vận hành về chính sách giá giá dịch liên kết.

Để có thể đưa ra được kết luận một doanh nghiệp có chuyển giá hay không, cần một quá trình phân tích và rà soát kỹ lưỡng bối cảnh thực tế thực hiện giao dịch liên kết và thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Quy định này nhắm các tập đoàn đa quốc gia, có lợi nhuận toàn cầu, và đặc biệt lợi nhuận tại các thiên đường thuế với mức thuế suất cực thấp, hay bằng không. Nghị định 20 yêu cầu các công ty có hoạt động liên kết tại Việt Nam sẽ phải lập và đệ trình 3 báo cáo bao gồm báo cáo quốc gia (Local file); báo cáo thông tin tập đoàn (Master file) và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao. Các khách hàng của E&Y, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI phản ứng thế nào với quy định này, thưa bà?

Bà Hương Vũ:Thông tư đầu tiên có nội dung điền chỉnh về chuyển giá của Việt Nam ban hành là Thông tư 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 hướng dẫn thực hiện các quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sau đó là một loạt các thông tư hướng dẫn và đến ngày 24/2/2017 là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và ngày 28/4/2017 là Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn 1 số điều của Nghị định 20 ra đời.

Nghị định 20 và Thông tư 41 ra đời đã đã đưa ra một số thay đổi lớn so với quy định hiện hành liên quan tới việc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết (GDLK) tại Việt Nam. Nghị định và Thông tư đã có nhiều thay đổi lớn để quy định của Việt Nam có thêm nhiều nét tương đồng với quy định của quốc tế trong quản lý giá giao dịch liên kết như thay đổi về tỷ lệ sở hữu xác lập bên liên kết (từ 20% lên 25%), hay sử dụng nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức” trong quá trình xác định bản chất GLDK làm cơ sở đối chiếu với các giao dịch độc lập tương đương, đảm bảo các giao dịch liên kết thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế tài chính diễn ra.

Tuy nhiên, sự thay đổi tại Nghị định 20 cũng có những điểm chưa hợp lý và làm tăng chi phí tuân thủ của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể như, thay vì một bộ hồ sơ xác định giá GDLK hàng năm thì theo Nghị định 20 thì doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết có thể phải cung cấp 3 loại Hồ sơ: Hồ sơ quốc gia (Local File); Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu (Master File) và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR).

Hay là việc yêu cầu doanh nghiệp lập Hồ sơ xác định giá thị trường trước thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm; tăng áp lực cung cấp hồ sơ thông qua việc điều chỉnh giảm thời gian cung cấp các hồ sơ xác định giá thị trường từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc.

Tuy Nghị định 20 có nêu một số trường hợp miễn lập Hồ sơ xác định giá GLDK nhưng quy định này còn quá chặt.

“Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng”.

“Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau:

· Phân phối: Từ 5% trở lên;

· Sản xuất: Từ 10% trở lên;

· Gia công: Từ 15% trở lên.”

Có thể nhận thấy là giao dịch dịch vụ với đặc thù có thể phát sinh tỷ trọng GDLK lớn đối với các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật, công nghệ thông tin đa quốc gia nhưng lại không thuộc trường hợp được miễn trừ trong Nghị định 20.

E&Y Việt Nam nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp gia đình Nhật Bản có quy mô vừa và nhỏ đầu tư sang Việt Nam nhưng với quy mô đó, các công ty mẹ tại Nhật Bản thì không thuộc diện phải lập Hồ sơ toàn cầu theo quy định của Nhật Bản nhưng công ty con tại Việt Nam lại phải lập theo quy định của Việt Nam. Như vậy, chi phí tuân thủ tăng lên rất nhiều.

Ở Nhật Bản, từ 1/4/2016 trở đi, tập đoàn có quy mô doanh thu toàn tập đoàn từ 100 tỷ yên trở lên (của năm trước đó) mới phải lập Hồ sơ toàn cầu và Báo cáo CbCR và thời hạn nộp báo cáo này là 1 năm, thêm vào đó, ngôn ngữ tiếng Anh được chấp thuận khi nộp hồ sơ cho cơ quan thuế Nhật Bản.

Xin cảm ơn bà!

nghi dinh 20 ve chong chuyen gia lam tang chi phi tuan thu cho doanh nghiep len rat nhieu Truy thu và phạt hơn 2.800 tỉ đồng tiền thuế

Ngày 19.2, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy TP.HCM có buổi làm việc với Cục Thuế TP.HCM liên quan đến công ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồ Mai

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.