Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân: Nghị định 20 gây khó cho DN làm nhà ở xã hội
Nghị định 20 khống chế trần lãi vay 20%, lợi nhuận 10% đối với dự án nhà ở xã hội khiến DN gặp khó
Tại Hội thảo về Nghị định số 20/2017/NĐCP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay (ngày 14/12) tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của người tham dự về việc doanh nghiệp bất động sản đã bị ảnh hưởng như thế nào từ quy định của Nghị định 20, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi đã phải thực hiện theo Nghị định 20 rồi, vì Nghị định này có hiệu lực từ năm 2017”.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, bất cập của Nghị định 20 là bài học đắt giá với Bộ Tài chính. Ảnh: Khánh Hà. |
Theo ông Tuấn, trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.
Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng.
Một bất cập tiếp theo mà ông Tuấn chỉ ra, đó là hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20 này.
“Không những vậy, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch địa ốc Hoàng Quân còn cho hay, Nghị định 20 còn khiến việc kêu gọi vốn của các doanh nghiệp startup gặp khó khăn. Hiện Chính phủ đã và đang khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup.
“Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn”, ông Tuấn nói.
Từ những phân tích trên, ông Tuấn cho rằng, việc dừng Nghị định có thể là khó, nhưng mong các các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018 tới đây.
“Chúng tôi rất mong có sự thay đổi cho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội”, Chủ tịch địa ốc Hoàng Quân bày tỏ nguyện vọng.
"Bất cập của Nghị định 20 là bài học đắt giá với Bộ Tài chính"
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận của Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các khó khăn, bất cập của Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ. Đây là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.
“Chúng ta phải hiểu thông lệ quốc tế là cái không bắt buộc, chỉ là khuyến khích. Dù khuyến khích nhưng chúng ta áp dụng như thế nào là tùy. Trong OECD có nước áp dụng có nước không, và các nước áp dụng là khác nhau. Vì vậy chúng ta áp dụng hay không là do câu chuyện của chính chúng ta”.
Ông Thành cũng phân tích về các mục đích của Nghị định 20 này và khả năng đạt được mục đích đến đâu. Theo ông, Nghị định 20 có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách vận hành, cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên.
“Tôi kiến nghị cần có thời gian khoảng một năm là tốt nhất để nghiên cứu, sửa đổi các khó khăn, bất cập của Nghị định 20. Nên xem xét áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế này tại Việt Nam như thế nào cho phù hợp”, ông Thành nói.