VNREA phản biện ba lý do chưa nên áp trần lãi vay theo Nghị định 20
Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: 'Thị trường bất động sản 2019 trật tự và ổn định hơn' |
Cụ thể, văn bản được ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) ký gửi đưa ra nhiều cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động lớn tới các DN có lợi nhuận thấp. Đặc biệt đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.
Áp trần vay theo nghị định 20 có bất thường? |
Được biết, ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết (sau đây xin gọi tắt là Nghị định 20). Đáng chú ý, điều 8 Nghị định 20 quy định:"Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".
Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Theo VNREA, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật DN năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho DN bởi 3 lý do.
Thứ nhất, Điều 7 Luật DN quy định quyền của DN được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định của Luật DN đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực tiễn thực hiện hoạt động kinh doanh DN. Theo đó, DN được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, mô hình kinh doanh, loại hình tổ chức kinh tế, hình thức, cách thức huy động vốn; quyền tự do hợp đồng; tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp; tự do cạnh tranh lành mạnh.
Trên tinh thần của nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh, DN có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh – một nguyên tắc đã được quy định trong luật định và đã được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật của nhiều quốc gia.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.
Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN nói chung và DN kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng khiến các DN e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập DN. Như vậy, quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của DN.
Theo quy định của Luật đầu tư, vốn đầu tư của một dự án bao gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai ("Nghị định 43"), điều kiện về năng lực tài chính để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau:
Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên; Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.
Theo các quy định nêu trên thì đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài vốn tự có, DN có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ là từ 80 đến 85%. Với tỷ lệ vốn vay trên tổng vốn đầu tư của một dự án như quy định tại Nghị định 43 thì tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận có thể cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20.
Như vậy, Nghị định 20 có sự không thống nhất với Nghị định 43 về tỷ lệ vốn vay được phép huy động, gây khó khăn cho DN trong quá trình huy động vốn. Vì vậy để tạo điều kiện cho DN huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không nên quy định khống chế chi phí lãi vay, mà chỉ cần quy định về vốn tự có của DN như quy định tại Nghị định 43.
Trường hợp nếu vẫn áp dụng về khống chế chi phí lãi vay, VNREA đề xuất quy định này chỉ áp dụng đối với các DN có giao dịch liên kết và cần có các hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng này trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn Nghị định để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình áp dụng pháp luật vì hiện tại theo tìm hiểu, VNREA được biết Cục thuế Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn DN (Công văn số 1990/CT-TTHT ngày 15/01/2018) trong đó, Cục thuế Hà Hội hướng dẫn chi phí lãi vay theo Nghị định 20 được hiểu là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của một DN không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay các bên độc lập.
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Trong đó, để tránh rủi ro, các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, Tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí cho DN, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Chính vì thế, việc đi vay và cho vay là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn. Trong bối cảnh đó, quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. Trường hợp nhằm chống việc chuyển giá giữa các DN có giao dịch liên kết, vốn là vấn đề gây ra nhiều lo ngại thời gian qua, VNREA đề xuất quy định về khống chế chi phí lãi vay chỉ áp dụng đối với các khoản vay giữa các DN mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung bình trên thị trường.
“Cần xem xét cân nhắc về quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 trên tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi tối đa cho DN” – ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.